Khi nhắc tới nhóm máu, ngoài việc quan tâm tới bản thân thuộc nhóm máu nào, nhóm máu có phổ biến không hay là nhóm máu hiếm gặp thì nhóm máu nào khỏe nhất hay dễ bị bệnh nhất cũng được nhắc tới rất nhiều.
Theo hệ nhóm máu ABO, con người có 4 nhóm máu là nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB và nhóm máu O. Trong 4 nhóm máu chung, nhóm máu khỏe nhất là nhóm nào? Dưới đây là một số thông tin về mối liên hệ giữa nhóm máu và 12 nguy cơ sức khỏe phổ biến mà bạn có thể tham khảo, theo WebMD.
- Bệnh tim
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành của nhóm máu O có xu hướng thấp hơn. Nguyên nhân vẫn chưa được kết luận chắc chắn nhưng các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng nguy cơ bệnh tim thấp hơn ở người nhóm máu O có thể là do các nhóm máu khác có nhiều khả năng có cholesterol cao hơn và lượng protein liên quan tới đông máu cao hơn.
Đọc thêm:
+ Thở hổn hển khi leo cầu thang, có phải dấu hiệu cảnh báo bệnh tim, phổi?
+ 7 loại thảo mộc quen thuộc, có loại luôn sẵn trong nhà bếp giúp giảm mỡ máu hiệu quả
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1 năm 2020 trên Tạp chí Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã so sánh những người có nhóm máu O với những người có nhóm máu A hoặc B trong nguy cơ hình thành cục máu đông. Kết quả đã phát hiện ra rằng những người có nhóm máu A và B có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn 50%; khả năng mắc thuyên tắc phổi cao hơn 47%; khả năng bị đau tim cao hơn 8% và có khả năng bị suy tim cao hơn 10% so với những người có nhóm máu O.
- Ung thư dạ dày
Nhóm máu A, AB và B có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với nhóm máu O, trong đó nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao nhất.
Các nghiên cứu cho rằng điều này có thể liên quan tới các viêm nhiễm do vi khuẩn H.pylori được tìm thấy phổ biến hơn ở người có nhóm máu A. Nhóm máu A cũng có hệ miễn dịch phản ứng tăng cường với loại vi khuẩn này. Vi khuẩn Hp có thể khiến niêm mạc dễ bị chất axit có trong dịch tiêu hóa của dạ dày bào mòn.
Đây cũng là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày, mặc dù tỷ lệ nhiễm Hp bị tiến triển lên ung thư dạ dày tương đối thấp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như độc tính của vi khuẩn, cơ địa của mỗi người, chế độ ăn uống,...
- Suy giảm trí nhớ
Khoa học đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ bao gồm hút thuốc, huyết áp cao, di truyền, tiểu đường và nhiều yếu tố khác. Nhưng một nghiên cứu cho thấy nhóm máu cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức và ảnh hưởng đến trí nhớ.
Theo Very Well Health, một nhóm các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu hơn 30.000 người trong suốt thời gian 3 năm rưỡi. Kết quả cho thấy, nhóm máu AB có khả năng mắc các vấn đề về tư duy và trí nhớ có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn tới 82% so với nhóm máu khác.
Điều này được giải thích có thể là do nhóm máu AB có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao cũng có liên hệ mật thiết với suy giảm nhận thức.
- Ung thư tuyến tụy
Theo Nature, một nghiên cứu cũ năm 2009 đã được công bố trên Tạp chí National Cancer Institute, so với những người tham gia có nhóm máu O, những người có nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 32%, những người có nhóm máu AB có nguy cơ cao hơn 51% và những người có nhóm máu B có nguy cơ cao hơn 72%.
Các nhà khoa học giải thích rằng, các phân tử trong tế bào hồng cầu nhóm A và B giúp vi khuẩn H.pylori phát triển trong ruột cao hơn. Điều này có thể khiến người có yếu tố này có nhiều khả năng mắc ung thư tuyến tụy hơn.
- Stress
Căng thẳng làm tăng nồng độ hormone cortisol trong cơ thể. Những người có nhóm máu A có xu hướng có nhiều cortisol và catecholamine hơn nên có xu hướng phản ứng quá mức, ngay cả với căng thẳng nhỏ.
- Sốt rét
Sốt rét là một bệnh nhiễm trùng do các loài Plasmodium gây ra. Các triệu chứng sốt rét có thể bao gồm sốt (có thể theo chu kỳ), ớn lạnh, gay gắt, đổ mồ hôi, tiêu chảy, đau bụng, suy hô hấp, lú lẫn, co giật, thiếu máu tán huyết, lách to và các bất thường về thận.
Theo WebMD, một số nghiên cứu chỉ ra rằng người có nhóm máu O có ít có khả năng mắc hơn do ký sinh trùng gây bệnh sốt rét khó bám vào tế bào máu nhóm O hơn. Trong khí đó, nhóm máu A được phát hiện có rủi ro mắc sốt rét cao hơn.
- Loét dạ dày - tá tràng
Một nghiên cứu năm 2018 trên NCBI đã chỉ ra rằng, nhóm máu O có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng cao hơn so với các nhóm máu khác. Theo nghiên cứu, vi khuẩn Hp có khả năng liên kết mạnh hơn với các tế bào biểu mô ở ruột ở người nhóm máu O, nhóm máu này làm thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể với vi khuẩn, từ đó làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Cục máu đông
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới là tình trạng tắc nghẽn ở tĩnh mạch một số vị trí như cẳng chân, đùi,...do sự hình thành cục máu đông khiến cho lòng mạch bị lấp. Đôi khi các cục huyết khối có thể di chuyển tới phổi hay còn gọi là thuyên tắc phổi.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người có nhóm máu A, B và AB có thể có nguy cơ cao hơn mắc các cục máu đông nguy hiểm so với những người có nhóm máu O.
- Tuổi thọ
Nhóm máu nào sống lâu nhất? Những người thuộc nhóm máu O có tuổi thọ trung bình rất cao, khoảng 85 - 87 tuổi. Người nhóm máu này có sức đề kháng tương đối mạnh, không dễ bị ốm vặt như những nhóm máu khác cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu ở nhóm máu O thấp hơn, có thể giúp nhóm máu này sống lâu hơn.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác quan trọng có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ của một người ngoại trừ nhóm máu, đó có thể là thói quen sống, môi trường sống, khả năng kiểm soát căng thẳng,...
- Bệnh tiểu đường
Theo tạp chí tiểu đường Diabetologia, những người có nhóm máu B+ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 35%. Trong khi đó, tỷ lệ này là 10% đối với nhóm máu A, 17% với nhóm máu AB và 21% đối với nhóm máu B-. Người có nhóm máu O ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhất.
Tuy nhiên cần nhớ rằng, bệnh tiểu đường xảy ra chủ yếu là do lối sống kém lành mạnh, chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo, không bổ sung đầy đủ chất xơ và lười vận động.
- Đột quỵ
Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí y khoa Neurology đã xem xét 48 nghiên cứu trên 17.000 bệnh nhân đột quỵ và phát hiện ra rằng những người có nhóm máu A có khả năng bị đột quỵ sớm cao hơn 16% so với những người có nhóm máu khác và những người có nhóm máu O có khả năng bị ít hơn 12%. Một nghiên cứu trước đó do Cushman thực hiện phát hiện ra rằng nhóm máu AB, so với nhóm máu O, có nguy cơ đột quỵ cao hơn 1,8 lần còn các nhóm máu khác không bị ảnh hưởng.
Nguy cơ đột quỵ tăng lên ở nhóm máu AB. Các bác sĩ cho rằng đó là do nhóm máu này dễ bị đông máu hơn các nhóm máu khác. Trong đó, nhóm máu A có liên quan đến mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) cao hơn, yếu tố làm tắc nghẽn động mạch. Nhóm máu AB có liên quan đến tình trạng viêm, có thể ảnh hưởng xấu đến mạch máu.
Trước tiên cần lưu ý rằng, với câu hỏi nhóm máu nào khỏe nhất thì nguy cơ bị bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không chỉ riêng nhóm máu, vì thế để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên chú ý tới các vấn đề sau:
- Có chế độ ăn uống cân đối: Bao gồm đủ các nhóm chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên ăn nhiều rau củ, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa - những yếu tố liên quan tới tuổi thọ giảm và nguy cơ bệnh tật cao.
- Tập thể dục đều đặn: Lựa chọn các hoạt động thể chất bạn yêu thích và duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Tương đương với tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, theo CDC. Các hoạt động như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc các bài tập nhẹ nhàng như yoga đều rất tốt và dễ dàng thực hiện với mọi lứa tuổi.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Cân nặng quá mức hoặc quá thấp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Hãy cố gắng duy trì chỉ số cơ thể BMI trong khoảng bình thường.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ 7-9 giờ mỗi đêm giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, giảm nguy cơ bệnh tật.
- Tránh các thói quen xấu: Hút thuốc và uống rượu quá mức có thể gây hại cho sức khỏe. Tìm cách bỏ thuốc nếu bạn là người hút thuốc và hạn chế rượu bia.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thăm bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tổng quát, phát hiện vấn đề sớm và can thiệp điều trị kịp thời.
- Học cách kiểm soát và quản lý căng thẳng: Stress cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Hãy tìm cách thư giãn và giải tỏa căng thẳng qua các hoạt động như thiền, nghe nhạc, đọc sách hoặc gặp gỡ bạn bè.
- Uống đủ nước: Mỗi ngày nên uống ít nhất từ 1.5 - 2 lít nước để cơ thể hoạt động hiệu quả. Tùy thuộc vào mức độ vận động mà lượng nước cần uống mỗi ngày sẽ tăng hoặc giảm.
Những biện pháp này không chỉ giúp bạn duy trì sức khỏe tốt mà còn giúp phòng tránh được nhiều bệnh tật.
Nguồn dịch tham khảo:
1. How Your Blood Type Can Affect Your Health
2. Which Blood Type Increases Your Risk of Dementia?
3. Blood type and pancreatic cancer
4. Nhóm máu của bạn nói gì về sức khỏe của bạn