Bệnh nhi Đặng Ngọc Linh sinh thường tại BV Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng ngạt nước ối, phải đặt ống thở nội khí quản, tinh thần li bì và có biểu hiện co giật liên tục, bé được chuyển tuyến lên BV Nhi TƯ lúc 4h tuổi.
Tại đây, các BS đã tiếp nhận và áp dụng các biện pháp hồi sức thông thường để duy trì sự sống cho bé.
Qua thăm khám và xét nghiệm lâm sàng, nhận thấy đây là trường hợp nguy cấp và cần đến sự hỗ trợ của kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động, đây chính là cách giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ.
Rất may mắn với trường hợp bé Ngọc Linh được phát hiện dấu hiệu bất thường và chuyển tuyến kịp thời.
Bệnh nhi được BS cho áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt có tấm đệm chuyển dạng, tức là một tấm đệm có tác dụng hấp thụ thân nhiệt bệnh nhân, đưa nhiệt độ bệnh nhân xuống mức nhiệt mà mình mong muốn và duy trì nhiệt độ đó trong vòng 72h đồng hồ, kết hợp cùng các thiết bị hình ảnh theo dõi nhiệt độ trực tràng, kèm theo đó là các chỉ số sinh tồn, cũng như hoạt động sóng điện não của bệnh nhân.
BS Trần Thị Thanh Hằng – Khoa HSCC Sơ Sinh – BV Nhi Trung Ương cho hay: "Về tình trạng của bé Ngọc Linh, sau 40h tuổi chúng tôi ghi nhận được trên hình ảnh điện não bệnh nhân có những tiến triển tích cực, tất nhiên là chưa trở về sóng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điện thế đã cao hơn, những sóng co giật đã được khống chế".
BS Trần Thị Thanh Hằng – Khoa HSCC Sơ Sinh – BV Nhi Trung Ương là người trực tiếp vận hành kỹ thuật hạ thân nhiệt cho các bệnh nhi
Được biết, với tất cả những bệnh nhi không may mắc bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ đều được tiến hành đầy đủ các quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não để lấy kết quả đánh giá thêm những tổn thương về mặt thần kinh cho các bệnh nhi.
Đọc thêm:
- Mẹo chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- Những sai lầm cho trẻ ăn dặm mà mẹ cần tránh
Giống với trường hợp bé Ngọc Linh, bé Nguyễn Đức Tùng Lâm con của anh Dân và chị Hạnh ở Mễ Trì - quận Nam Từ Liêm – Hà Nội được sinh mổ cấp cứu tại BV Phụ Sản TƯ, cũng trong tình trạng bị suy hô hấp, khi sinh ra bé không khóc và không tự thở được, cơ thể tím tái.
Anh Nguyễn Đức Dân (Cha đẻ bệnh nhi Tùng Lâm) nói: "Khi vừa mới sinh ra cháu phát hiện mắc bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ, các BS BV Phụ Sản đã kịp thời nhờ đến sự hỗ trợ của đội ngũ y BS BV Nhi TƯ.
Ngay lập tức các BS sử dụng phương pháp máy chụp não, hạ thân nhiệt để cháu không bị sốc, không bị tổn thương tế bào thần kinh trong não, để đảm bảo đứa trẻ sau khi khỏi bệnh không để lại di chứng gì như liệt chi hoặc trí tuệ phát triển không bình thường như các đứa trẻ khác".
Sau khi được các BS áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não không bị tổn thương, sức khỏe của bé tiến triển tốt, bé đã được về với mẹ tự thở và tự bú được, cũng không cần ăn qua đường xông như trước.
"Về tình trạng bé Tùng Lâm, sức khỏe cháu đáp ứng rất tốt về mặt hô hấp, tuần hoàn, đặc biệt là về mặt thần kinh, cải thiện rõ rệt. Các phản xạ về hệ thần kinh, sơ sinh, bú mút, tạng, gân, xương của cháu đều rất tốt", BS Trần Thị Thanh Hằng.
Được biết, các bệnh nhi não thiếu oxy, thiếu máu não cục sau khi được áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt tín hiệu đều rất khả quan, bằng chứng là tất cả những cháu được BV hẹn khám lại và thăm khám thường xuyên thì các cháu có sự phát triển về tinh thần vận động và thể chất bình thường chiếm tỉ lệ cao.
Cứ 2 tháng một lần, anh Phạm Minh Trường (Ở Mỹ Đình – Hà Nội) lại đưa con gái đến khoa Phục hồi chức năng – BV Nhi TW tái khám.
"Bé Tú Linh con gái anh, cũng là một trong những bệnh nhi bị não thiếu oxy khi mới sinh và được áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt. Sau 10 ngày điều trị, bé được xuất viện, hiện tại bé được gần 10 tháng tuổi, phát triển khá tốt cả về tư duy và vận động như các trẻ bình thường khác", anh Trường nói.
Lúc ra viện các BS khuyến cáo, cần theo dõi sát sao khi bé ở nhà, có bất cứ biểu hiện bất thường gì cần đem đến BV kiểm tra, trong thời gian theo dõi thì bé không có dấu hiệu gì bất thường, 2 tháng 1 lần bé được kiểm tra định kỳ tại BV, suốt quá trình đó trong khoảng 2 năm.
Cha bệnh nhi phấn khởi chia sẻ: "Hiện tại bé đã có thể bò, vịn, đứng dậy để đi, cầm, nắm chơi đồ vật rất tốt".
Hầu hết các bệnh nhi đều được tư vấn và có yêu cầu tái khám
TS. BS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng – BV Nhi TW nói: "Trường hợp em bé Tú Linh sau khi điều trị đã phát triển rất tốt, hoàn toàn vận động như một đứa trẻ bình thường, thậm chí trường hợp bé Linh được tư vấn sớm nên còn được phát triển cả về nhận thức và các kỹ năng của vận động".
Các BS khuyến cáo, với các trẻ bị não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ cần tái khám định kỳ 2 tháng một lần trong năm đầu tiên và 6 tháng 1 lần trong năm thứ 2 trở đi.
Để trẻ có cơ hội ngoài việc được BS tư vấn cho sự phát triển bình thường, trẻ còn được phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường, từ đó BS có hướng điều trị tốt nhất cho sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Để giảm thiểu tối đa số lượng trẻ tử vong nhiều giải pháp được triển khai đã mang lại kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động trong cấp cứu trẻ bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ.
Nếu như trước đây, trẻ bị não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ điều trị các kỹ thuật thông thường, tỉ lệ để lại di chứng chiếm 40%, thì bây giờ với kỹ thuật hạ thân nhiệt, con số này đã giảm chỉ còn khoảng 10%.
Tình trạng thiếu oxy trước, trong hoặc sau khi sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hậu quả của bệnh lý này có thể trẻ bị tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề, chậm phát triển và tâm thần vận động.
Nhờ áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt, những năm gần đây số trẻ tử vong tại BV Nhi TW đã giảm đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, BV đã điều trị cho gần 150 bệnh nhi bằng phương pháp hiệu quả này.
BV Nhi Trung Ương đã cứu sống 150 bệnh nhi não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt
"BV Nhi TƯ bắt đầu từ năm 2014 đã bắt đầu áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt, với các trẻ được chẩn đoán là thiếu oxy, thiếu máu cục bộ ở giai đoạn sơ sinh, những trường hợp bệnh nhi đầu tiên, chúng tôi bắt đầu sử dụng máy làm lạnh não đầu, sau đó dần dần chúng tôi bắt đầu áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt toàn thân bằng tấm đệm chất lượng chuyển dạng.
Cho đến nay thì BV đã tiến hành phương pháp này được 4 năm", BS Trần Thị Thanh Hằng – Khoa HSCC Sơ Sinh – BV Nhi Trung Ương cho biết.
Tuy nhiên, để áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong điều trị cấp cứu trẻ bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ có hiệu quả nhất và mang lại sự sống lâu dài cho trẻ, BS khuyến cáo biện pháp này cần được áp dụng cho trẻ ngay sau sinh, trước 6h tuổi mới có hiệu quả.
Và trẻ cần được điều trị tại các trung tâm sơ sinh chuyên sâu và theo dõi sát sao trong thời gian điều trị để hỗ trợ trẻ về hô hấp và tuần hoàn kịp thời,
Thực tế cho thấy việc triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động trong điều trị cấp cứu trẻ não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ đã góp phần ngăn chặn các di chứng về não, và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất lớn.