Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêm vắc-xin ngừa dịch là điều người dân đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi có thông tin về lô vắc-xin đầu tiên vừa chính thức về Việt Nam.
Theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016, việc tiêm chủng vắc-xin chống dịch là hoạt động tiêm chủng miễn phí do nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch và những trường hợp được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin Covid-19. Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương triển khai rộng rãi việc tiêm vắc-xin cho người dân.
Ngoài những trường hợp được nêu trong Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định 1210/QĐ-BYT ngày 9-2-2021 của Bộ Y tế, thì những trường hợp nào được tiêm chủng bắt buộc, trường hợp nào thuộc diện tiêm chủng mở rộng?
Kho lạnh âm sâu -86 độ C với 30 tủ âm sâu và hệ thống vận chuyển chuyên dụng do hệ thống tiêm chủng VNVC đầu tư, được Bộ Y tế cấp phép Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, vắc-xin phải được sử dụng theo quy định của Luật Dược, dưới hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.
Điều 29 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những trường hợp bắt buộc phải sử dụng vắc-xin phòng bệnh: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch; trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là những đối tượng buộc phải chấp nhận tiêm chủng, không thể từ chối hoặc né tránh.
Những người được miễn phí sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch; trẻ em, phụ nữ có thai. thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vắc-xin, sinh phẩm y tế.
Theo điều 7 Nghị định 104/2016/NĐ-CP, vắc-xin sử dụng cho hoạt động tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch do nhà nước bảo đảm về số lượng, chủng loại phù hợp với nhu cầu hằng năm và được dự trữ trong 6 tháng.
Căn cứ số lượng đối tượng tiêm chủng, thời gian và định mức sử dụng của từng loại vắc-xin, cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm lập dự kiến nhu cầu vắc-xin cho cả năm gửi cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng tuyến huyện, tuyến tỉnh tổng hợp gửi Sở Y tế trước ngày 30-11 hằng năm để chỉ đạo cấp vắc-xin theo kế hoạch. Căn cứ dự kiến nhu cầu vắc-xin của các cơ sở tiêm chủng, Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp, gửi kế hoạch về Bộ Y tế trước ngày 15-12 hằng năm để phê duyệt kế hoạch cung ứng vắc-xin và phân phối trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt.
Chỉ có các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện mới được tổ chức tiêm chủng và trước khi hoạt động phải gửi văn bản thông báo đến Sở Y tế thông báo về đủ điều kiện tiêm chủng. Người đứng đầu cơ sở thực hiện tiêm chủng tự công bố đủ điều kiện tiêm chủng, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự công bố của mình.
Cơ sở tiêm chủng có thể là cơ sở y tế công lập, theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải thực hiện tiêm chủng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch và phải bảo đảm các điều kiện tiêm chủng theo quy định. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nếu công bố đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định, được phép đăng ký với Sở Y tế sở tại để thực hiện tiêm chủng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và phải tổ chức triển khai tiêm chủng chống dịch khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Ngoài các cơ sở được nêu trên, cá nhân, tổ chức khác không được tự mình thực hiện việc tiêm chủng dù có điều kiện về tài chính nhập khẩu vắc-xin.