Theo thống kê từ bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì chỉ trong vòng một tuần, Khoa Nam học và y học giới tính đã tiếp nhận 3 ca xoắn tinh hoàn còn rất trẻ với thời gian thăm khám quá muộn dẫn tới tinh hoàn hoại tử và cần phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu mạch máu còn được gọi là xoắn thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tính) do sự quay của tinh hoàn dẫn tới kết quả thắt nghẹt nguồn máu nuôi tinh hoàn từ đó gây ra các tổn thương và hoại tử.
Xoắn tinh hoàn phổ biến nhất ở độ tuổi từ 12 - 18 tuổi chiếm khoảng 65% nhưng thực tế thì tình huống này có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiều chuyên gia gọi xoắn tinh hoàn là "hội chứng mùa đông" bởi tình trạng này thường xảy ra trong thời tiết lạnh với nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp.
Có thể hiểu như sau, bìu của nam giới thường ở trạng thái thư giãn khi ở trong môi trường ấm áp (trên giường) nhưng khi rời khỏi giường, bìu sẽ tiếp xúc với không khí lạnh hơn trong chăn. Nếu thừng tinh bị xoắn trong khi bìu "lỏng lẻo" thì sự co thắt cơ bìu đột ngột do thay đổi nhiệt độ bất ngờ có thể khiến tinh hoàn bị kẹt lại tại vị trí đó. Hay có thể nói rằng sự tăng hoạt cơ bìu dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục và gây xoắn tinh hoàn.
Ngoài nguyên nhân do nhiệt độ và độ ẩm lạnh kể trên thì các yếu tố làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn bao gồm tuổi tác và tiền sử bị xoắn tinh hoàn trước đó. Cụ thể, nếu nam giới từng bị xoắn tinh hoàn và tự khỏi mà không cần điều trị thì nó có khả năng sẽ tái lại một lần nữa ở một trong hai tinh hoàn trừ khi can thiệp phẫu thuật có thể khắc phục vấn đề cơ bản.
Đọc thêm:
+ Những điều cần biết về biến chứng viêm tinh hoàn khi mắc quai bị
+ Khi bị chấn thương tinh hoàn, nam giới cần làm gì?
Đôi khi xoắn tinh hoàn có thể xảy ra trước hoặc ngay sau khi sinh - với trường hợp này thường không thể "cứu" tinh hoàn. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần phẫu thuật ngay sau khi sinh để kiểm tra và điều chỉnh xoắn tinh hoàn ở bên còn lại để ngăn ngừa các vấn đề sinh sản trong tương lai.
Một dị tật gọi là "bell clapper" - tạm dịch là dị tật quả lắc đồng hồ - là tình trạng trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì nằm theo trục dọc của cơ thể dẫn tới tinh hoàn xoay trên thừng tinh cũng dẫn tới tắc mạch máu nuôi tinh hoàn.
Nam giới bị xoắn tinh hoàn có thể có các biểu hiện:
- Đau đột ngột hoặc dữ dội ở một bên tinh hoàn, lan dọc theo thừng tinh tới ống bẹn và hố chậu
- Ban đêm bật dậy thức giấc
- Sưng bìu, túi bìu lỏng lẻo
- Có khối u trong bìu
- Buồn nôn
- Tinh dịch có lẫn máu
- Nôn mửa
- Đau bụng.
Một số người có thể gặp tình trạng một bên tinh hoàn cao hơn bình thường hoặc nằm ở vị trí bất thường so với mọi khi. Bên tinh hoàn này có thể to hơn và có màu đỏ hoặc màu sẫm đậm. Những triệu chứng thường khởi phát đột ngột, mặc dù trong một số trường hợp xoắn tinh hoàn có thể có triệu chứng trong vài ngày.
Có một số tình trạng khác ảnh hưởng tới tinh hoàn có thể gây ra các triệu chứng tương tự, điều quan trọng là bạn cần tới bệnh viện ngay lập tức để được điều trị đúng. Các tình trạng này bao gồm: viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn,...
Điều quan trọng là cần phải cấp cứu khẩn cấp với những cơn đau tinh hoàn đột ngột hoặc nghiêm trọng. Ngay cả khi đó là dấu hiệu của các bệnh lý khác nhưng về nguyên tắc là cần can thiệp sớm để ngăn chặn tổn thương nghiêm trọng hoặc phải loại bỏ tinh hoàn do xoắn tinh hoàn.
Như đã nói ở trên, ngay cả khi tinh hoàn tự tháo xoắn thì can thiệp phẫu thuật vẫn là cần thiết để ngăn ngừa sự tái phát sau này. Thường thì nam giới bị xoắn tinh hoàn sẽ được gây mê toàn thân, bác sĩ thực hiện tháo xoắn thừng tinh để khôi phục nguồn cung cấp máu. Đa phần không cần phải ở lại bệnh viện.
Theo nhiều bác sĩ thì thời điểm vàng để cứu được tinh hoàn là 6 giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát cơn đau. Nếu can thiệp sau 6 - 12 giờ thì khả năng tinh hoàn được cứu giảm còn 50% và nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn nếu như bệnh nhân can thiệp muộn sau 24 giờ.
Thời gian can thiệp muộn cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới khả năng sinh sản. Nếu đã loại bỏ một tinh hoàn thì tinh hoàn còn lại vẫn có thể sản xuất đủ tinh trùng cho việc thụ thai. Tuy nhiên những người bị xoắn tinh hoàn có thể có số lượng tinh trùng thấp hơn so với những người không bị. Mặc dù hiếm nhưng sau loại bỏ một tinh hoàn thì bên còn lại có thể có xu hướng phát triển to hơn để "bù đắp" nên nam giới cần cân nhắc mặc quần lót bảo hộ khi tham gia thể thao hay vận động mạnh.
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần phải tránh hoạt động gắng sức hoặc sinh hoạt chăn gối trong vài tuần.
Hiếm khi tình trạng xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở cả hai bên, tỉ lệ chỉ khoảng 2:100 nam giới. Tinh hoàn có thể xoay hoặc di chuyển qua lại tự do trong bìu là một đặc điểm di truyền chiếm tới 90% các ca xoắn tinh hoàn và chỉ có một số người mới có thuộc tính này.
Cách duy nhất để ngăn ngừa xoắn tinh hoàn với đặc điểm này là thông qua phẫu thuật để gắn cả hai tinh hoàn vào bên trong bìu khiến chúng không thể xoay tự do nữa.
Cần tránh các hành động gây tổn thương tinh hoàn như vận động mạnh không sử dụng đồ bảo hộ hoặc các hành vi va chạm mạnh khác. Đặc biệt với người tình phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn do hoại tử thì càng cần phải thận trọng hơn. Đồng thời đừng quên tái khám định kì để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Khi không được điều trị nhanh chóng hoặc không được điều trị thì tình trạng xoắn tinh hoàn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Nhiễm trùng: Nếu mô tinh hoàn đã chết hoặc tổn thương nghiêm trọng không được loại bỏ thì hoại tử có thể xảy ra, đe dọa tính mạnh do có thể lan nhanh khắp cơ thể và gây sốc.
- Vô sinh: Nếu cả hai tinh hoàn đều bị tổn thương thì nam giới có nguy cơ bị vô sinh. Tuy nhiên nếu chỉ một bên tinh hoàn bị loại bỏ thì khả năng sinh sản sẽ không bị ảnh hưởng.
- Biến dạng thẩm mỹ
- Teo tinh hoàn: Khiến tinh hoàn bị thu nhỏ kích thước đáng kể, tinh hoàn bị teo sẽ không thể sản xuất tinh trùng.
- Chết tinh hoàn: Là tình trạng tinh hoàn không thể cứu được và phải cắt bỏ.
Tóm lại, xoắn tinh hoàn phổ biến vào mùa lạnh do nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Nam giới bị xoắn tinh hoàn cần điều trị y tế khẩn cấp trong vòng 6 giờ để không phải loại bỏ tinh hoàn do nguy cơ hoại tử. Vào mùa lạnh, nam giới cần mặc quần áo ấm, đồ lót bằng cotton thấm hút mồ hôi tốt và hạn chế tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Nguồn dịch:
1. What is testicular torsion?