Nhiễm trùng đường tiểu là gì? Tổng hợp những thông tin từ A tới Z về nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu là gì? Tổng hợp những thông tin từ A tới Z về nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu là căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở phụ nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, nhiễm trùng đường tiểu có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm trùng đường tiểu khá phổ biến ở nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Đây là căn bệnh không khó điều trị nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị, nhiễm trùng đường tiểu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh.

1. Nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Nhiễm trùng đường tiểu, hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu – UTI là một trong những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên. Đây là một trong những căn bệnh nhiễm trùng thường gặp, chiếm gần 25% tổng số các bệnh nhiễm trùng.

Theo các thống kê, có tới khoảng 50-60% phụ nữ sẽ phát triển UTI trong cuộc đời của họ. Bệnh nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, nhân lên và gây viêm. Thông thường, các vi khuẩn này thường đến từ ruột hoặc phân rồi đi vào niệu đạo.

Cụ thể, nhiễm trùng đường tiểu là nhiễm trùng của bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng liên quan đến phần dưới hệ tiết niệu – bàng quang và niệu đạo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng căn bệnh này cũng có thể liên quan đến phần trên của hệ tiết niệu (niệu quản và thận), Mặc dù nhiễm trùng trên đường tiết niệu này hiếm hơn, nhưng chúng lại thường nghiêm trọng hơn.

2. Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu

Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, người bệnh thường có những triệu chứng sau:

- Cảm giác rát buốt khi đi tiểu: Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, các mô đường tiết niệu bị viêm và trở nên rất nhạy cảm. Chính vì vậy, khi nước tiểu đi qua các mô này sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau và nóng rát, khó chịu khi đi tiểu.

- Tiểu són: Người bệnh đi tiểu thường xuyên, vừa muốn đi tiểu lại muốn đi tiếp nhưng lượng nước tiểu lại rất ít.

- Đau tức lưng hoặc đau vùng bụng dưới: Đây là dấu hiệu cảnh báo bàng quang đang bị viêm nhiễm. Theo đó người bệnh sẽ có cảm giác đau âm ỉ hoặc chuột rút.

- Cơ thể có cảm giác mệt mỏi và run rẩy.

- Cảm giác rét run hoặc bị sốt: Dấu hiệu này cho thấy có thể nhiễm trùng đường tiểu đã lan tới thận.

- Nước tiểu đục và có mùi hôi khác thường.

- Kiểm soát bàng quang rất kém.

Nhiễm trùng đường tiểu là gì? Tổng hợp những thông tin từ A tới Z về nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh 1.

Rát buốt khi đi tiểu là triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Dấu hiệu báo nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân tiểu đường

Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư bàng quang: Dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiểu đến 90%

3. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu

Nguyên nhân chính gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiểu chính là vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) trong hệ tiêu hóa, được tìm thấy ở ruột. Ngoài ra, căn bệnh nhiễm trùng đường tiểu còn do các loại vi khuẩn khác như vi khuẩn Staphylococcus saprophyticus (5-15% trường hợp), Chlamydia trachomatis, Proteus và Mycoplasma hominis.

Các trường hợp hiếm hơn là các vi khuẩn bệnh viện, nấm, virus,… Đáng lưu ý là cả nam giới và phụ nữ nếu nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis hay Mycoplasma hominis đều có thể truyền vi khuẩn này cho bạn tình khi quan hệ tình dục.

Về phương thức xâm nhập, vi khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu, sau đó di chuyển lên đến các bộ phận khác của cơ thể. Sở dĩ nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ thường cao hơn nam giới là do ở nữ giới, đường tiểu và hậu môn gần nhau hơn nên nguy cơ mắc bệnh lý này sẽ cao hơn.

Ngoài ra, vi khuẩn E.coli còn có thể đi vào trong đường tiết niệu thông qua các dụng cụ y tế như ống thông dùng trong y khoa, dụng cụ dùng để tán sỏi....

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra nhiễm trùng đường tiểu cũng có thể do sự xâm nhiễm từ các cơ quan lân cận như nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục, rò tiêu hóa, rò bàng quang âm đạo.

4. Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu

Như đã nói, vì đường tiết niệu của phụ nữ ngắn và gần với hậu môn hơn nam giới, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn nên nhiễm trùng đường tiểu thường gặp ở phụ nữ. Ngoài ra, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Đối với trẻ em, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Hội chứng mất khả năng thải nước tiểu: Bé nhịn tiểu khi đang buồn tiểu.

- Chưa cắt bao quy đầu đối với bé trai.

- Bé bị táo bón, gây ép lên bàng quang, ngăn chặn bàng quang tống hết nước tiểu ra ngoài.

- Bé gặp những bất thường giải phẫu trong đường tiết niệu.

- Thói quen vệ sinh của trẻ kém, không khoa học.

Đối với người lớn, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiểu là:

- Thường xuyên thay đổi bạn tình hoặc quan hệ tình dục với tần suất quá nhiều.

- Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.

- Có tiền sử mắc căn bệnh đái tháo đường.

- Các trường hợp đang đặt ống thông tiểu.

- Bị chấn thương, bại liệt, bất động lâu ngày.

- Người có hệ miễn dịch yếu.

- Người đang sử dụng các biện pháp ức chế miễn dịch.

- Tác dụng phụ của xạ trị hoặc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide.

Nhiễm trùng đường tiểu là gì? Tổng hợp những thông tin từ A tới Z về nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh 3.

Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh Internet

Đọc thêm: Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu và cách phòng tránh

5. Nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không? Các biến chứng của nhiễm trùng đường tiểu

Theo các bác sĩ, nhiễm trùng đường tiểu không quá nguy hiểm vì đây là căn bệnh dễ điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra

Cụ thể, các biến chứng của nhiễm trùng đường tiểu là :

- Các vấn đề liên quan tới thận: viêm thận bể thận cấp, áp xe quanh thận, suy thận cấp

- Nhiễm trùng huyết: Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

- Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiểu có thể bị đẻ non, sảy thai, trẻ thiếu cân, trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh...

- Hẹp niệu đạo đối với những đối tượng là nam giới.

6. Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu như thế nào?

Các bác sĩ khuyến cáo trong trường hợp có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh nhiễm trùng đường tiểu, cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu, đầu tiên, các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe cũng như xem xét tổng thể các triệu chứng của người bệnh. Để chẩn đoán một cách chính xác nhất, cac bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm vi khuẩn hoặc nấm trong nước tiểu.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm virus. Dù đây là tác nhân hiếm gặp gây nhiễm trùng đường tiểu nhưng những người đã cấy ghép nội tạng, có hệ miễn dịch suy yếu cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiểu do virus.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu còn phụ thuộc vào loại nhiễm trùng. Cụ thể, nếu nghi ngờ người bệnh bị nhiễm trùng đường tiểu trên, bên cạnh việc xét nghiệm nước tiểu, người bệnh có thể được chỉ định làm công thức máu toàn bộ và cấy máu.

Còn trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu tái phát, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra xem có bất thường hoặc vật cản nào trong đường tiết niệu hay không, cụ thể là siêu âm, Pyelogram tĩnh mạch (IVP), nội soi bàng quang, chụp cắt lớp (CT).

7. Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiểu

7.1. Phác đồ điều trị

Việc điều trị nhiễm trùng đường tiểu bao gồm diệt trừ những virus gây bệnh và loại trừ các yếu tố làm tăng nguy cơ nếu có. Trong đó, sử dụng kháng sinh là sự lựa chọn hàng đầu cho những người nhiễm trùng đường tiểu. Tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh cũng như tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc cũng như thời gian điều trị cho phù hợp.

Rất nhiều người băn khoăn nhiễm trùng đường tiểu uống thuốc gì? Câu trả lời cho câu hỏi này là các loại thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiểu thông thường được hay sử dụng cụ thể là những loại thuốc sau: nitrofurantoin, trimethoprim – sulfamethoxazole, nhóm beta – lactamin, nhóm aminoglycosid và nhóm quinolon.

ùy vào mức độ nhiễm trùng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một loại thuốc hay phối hợp các loại thuốc. Lưu ý, người bệnh cần nói chi tiết với bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc để tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra.

Nhiễm trùng đường tiểu là gì? Tổng hợp những thông tin từ A tới Z về nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh 4.

Người bị nhiễm trùng đường tiểu cần được bác sĩ kiểm tra và kê một số loại thuốc uống cụ thể - Ảnh Internet

7.2. Thời gian điều trị

Thời gian điều trị nhiễm trùng đường tiểu là khác nhau ở những người bệnh. Tuy nhiên, thông thường các triệu chứng bệnh sẽ hết sau ít ngày điều trị. Trong một số trường hợp, người bệnh phải dùng kháng sinh dài ngày hơn. Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiểu do liên quan đến quan hệ tình dục, có thể điều trị dự phòng bằng uống 1 liều kháng sinh sau mỗi lần quan hệ tình dục,.

Cần lưu ý trong những trường hợp mắc nhiễm trùng đường tiểu nặng, người bệnh cần vào bệnh viện điều trị và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu bệnh bị tái phát hoặc trở thành mãn tính, người bệnh cần được các bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi, cần có phương pháp điều trị và kiểm soát các biến chứng lâu dài như suy thận.

Các bác sĩ cho biết điều quan trọng là phải điều trị bệnh càng sớm càng tốt, đặc biệt bệnh dễ điều trị nhất ở đường tiết niệu dưới. Nhiễm trùng lây lan đến đường tiết niệu trên sẽ khó điều trị hơn và dễ lây lan vào máu, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, đe dọa tới tính mạng người bệnh.

8. Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu như thế nào?

Nhiễm trùng đường tiểu là căn bệnh phổ biến, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh. Vậy phòng tránh căn bệnh này bằng cách nào? Dưới đây là các thói quen có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn

- Uống nhiều nước.

- Đi tiểu thường xuyên, không nhịn tiểu.

- Tránh dùng bia, rượu và các đồ uống chứa nhiều caffein.

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách.

- Tránh dùng nước hoa lên bộ phận sinh dục, ưu tiên chọn đồ lót bằng vải cotton.

- Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục, đi tiểu sau quan hệ tình dục.

- Hạn chế tắm bồn, nên tắm bằng vòi hoa sen.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

- Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

- Thay tã thường xuyên.

- Điều trị tình trạng hẹp bao quy đầu ở bé trai hoặc dính môi bé ở bé gái.

- Cho trẻ uống nhiều nước, không nhịn tiểu.

- Cho trẻ ăn đủ các loại rau xanh và trái cây, tránh táo bón.

9. Nhiễm trùng đường tiểu nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc cải thiện và phục hồi bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Dưới đây là những thực phẩm nên tiêu thụ khi bị nhiễm trùng đường tiểu.

- Những thực phẩm giàu vitamin C:

Các chuyên gia khuyến cáo những người bị nhiễm trùng đường tiểu nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, ớt chuông, đu đủ, bông cải xanh... 

Nguyên nhân là vì những thực phẩm giàu vitamin C rất có lợi đối với người đối với bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu vì nó làm tăng nồng độ axit trong thận, khiến vi khuẩn không thể phát triển.

Nhiễm trùng đường tiểu là gì? Tổng hợp những thông tin từ A tới Z về nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh 3.

Cam và những thực phẩm giàu vitamin C rất tốt cho những người bị nhiễm trùng đường tiểu - Ảnh Internet.

- Tỏi:

Tỏi là không những là gia vị quen thuộc mà còn là một kháng sinh tự nhiên rất tốt cho những người bị nhiễm trùng đường tiểu. Trong tỏi có chứa một hoạt chất được gọi là allicin có tác dụng như một chất chống viêm và chống nấm, kháng khuẩn.

Không những vậy, tỏi cũng chứa chất chống oxy hóa chữa một loạt các bệnh. Vì vậy, sử dụng tỏi hàng ngày rất tốt cho người mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

- Sữa chua:

Sữa chua là câu trả lời không thể bỏ qua cho câu hỏi "bị nhiễm trùng đường tiểu nên ăn gì". Sữa chua là thực phẩm cực tốt cho bàng quang. Trong sữa chua có chứa sinh vật Probiotics, đây là vi sinh vật có lợi cho sức khỏe.

Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vi sinh vật có lợi sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và tiêu hóa, hỗ trợ thận trong việc xử lý các loại chất thải, cũng như làm giảm khả năng phát triển sỏi thận, rất tốt cho những người bệnh bị nhiễm trùng đường tiểu.

- Nước ép lô hội, nước ép dứa, nước giấm táo:

Nước ép lô hội và giấm táo là thức uống tuyệt vời cho những người bị nhiễm trùng đường tiểu. Trong giấm táo có chứa các enzym và chất dinh dưỡng thiết yếu như kali gây ức chế vi khuẩn UTI phát triển mạnh.

Ngoài ra, giấm táo còn rất giàu axit axetic, thúc đẩy sự phát triển của những vi khuẩn tốt và giúp tiêu diệt vi khuẩn xấu. Với những người bị nhiễm trùng đường tiểu, chỉ cần trộn hai thìa giấm táo vào cốc nước sạch, thêm ít nước chanh và mật ong trộn đều và ngày uống hai lần là cải thiện tình trạng bệnh.

Lô hội:

Lô hội có tác dụng giúp loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể thông qua cơ chế làm sạch hiệu quả. Các chuyên gia khuyến cáo nên uống nước lô hội 2 lần mỗi ngày để hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiểu.

Ngoài hai loại nước ép này, nước ép dứa cũng là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người bị nhiễm trùng đường tiểu. Trong dứa có chứa chất có tên gọi là bromelain. Đây là một loại enzyme chống viêm, nhiễm trùng đường tiểu rất hiệu quả, giúp loại bỏ vi khuẩn có hại trong đường tiểu.

Trên đây là những thông tin tổng quát về bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu. Việc phát hiện bệnh sớm cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sẽ giúp người bệnh điều trị bệnh nhanh chóng và hiệu quả.


Tác giả: Ngọc Điệp