Nhiễm liên cầu khuẩn, nguy kịch tính mạng do ăn tiết canh lợn

Nhiễm liên cầu khuẩn, nguy kịch tính mạng do ăn tiết canh lợn
Sau khi ăn tiết canh 3 ngày, nam thanh niên (29 tuổi, ở Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sốt cao liên tục, lơ mơ rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê. Các bác sĩ ở Bệnh viện E nhận định, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn với triệu chứng rất nặng.

Khai thác tiền sử bệnh án, gia đình cho biết, 3 ngày trước khi nhập Bệnh viện E do nhiễm liên cầu khuẩn, nam thanh niên ăn tiết canh lợn trong tiệc liên hoan của công ty. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, buồn nôn và nôn, ý thức lơ mơ, chậm chạp, kích thích nhiều, gáy cứng.

Đặc biệt, bệnh nhân xuất hiện cơn co giật gây mất ý thức toàn thân 4-5 phút nên gia đình vội vã đưa vào viện.

Theo thông tin đăng tải trên Báo Sức khỏe đời sống, ngay khi vào viện, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chỉ định chọc dịch não tủy.

BSCKII Nguyễn Xuân Huyến, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E cho biết, khi chọc não tủy phát hiện dịch đục, áp lực tăng… Ngay lập tức, bệnh nhân được làm xét nghiệm chuyên sâu đối với dịch não tủy như nuôi cấy tế bào, sinh hóa. Kết quả nuôi tế bào sinh hoá khẳng định bệnh nhân mắc viêm não - màng não do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên (bệnh liên cầu khuẩn).

Nhiễm liên cầu khuẩn, nguy kịch tính mạng do ăn tiết canh lợn - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho nam thanh niên nhiễm liên cầu khuẩn (Ảnh: Vietnamnet)

1. Liên cầu khuẩn ở người là bệnh gì?

Liên cầu khuẩn ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên. Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên (đặc biệt là ở mũi), ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Theo nghiên cứu khoa học, Streptococcus suis hiện có 35 type huyết thanh, trong đó, type I và II thường gây bệnh cho người. Nhiễm liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do có sự xâm nhập liên tục vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của vi khuẩn.

Bệnh liên cầu khuẩn dễ tiến triển nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nhiễm liên cầu khuẩn có thể khiến người bệnh mắc các bệnh cảnh khác như viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp… Ngay cả đối với những trường hợp điều trị kịp thời, với kỹ thuật cao, người bệnh vẫn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy thận,...

2. Nguyên nhân gây bệnh liên cầu khuẩn

Nguồn lây nhiễm chính là do lợn mang liên cầu khuẩn. Bệnh liên cầu khuẩn có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da.

Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có có ăn tiết canh lợn, các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Nhiễm liên cầu khuẩn, nguy kịch tính mạng do ăn tiết canh lợn - Ảnh 2.

Điều tra cho thấy 70% bệnh nhân liên cầu lợn có có ăn tiết canh lợn (Ảnh: Internet)

3. Dấu hiệu nhận biết nhiễm liên cầu khuẩn

Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có các triệu chứng sau:

- Sốt cao.

- Đau đầu.

- Ù tai.

- Xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài ra, nếu người bệnh bị nhiễm độc tố rất nặng sẽ xuất hiện các biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Vì vậy, khi có dấu hiệu của nhiễm cầu khuẩn lợn, người bệnh cần phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều tra kịp thời. Chi phí điều trị bệnh này tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề nên người dân cần hết sức cảnh giác.

4. Phòng bệnh liên cầu khuẩn

Để phòng bệnh liên cầu lợn, Bộ Y tế đã đưa ra 5 khuyến cáo như sau:

1. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín;

2. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, như xuất huyết hoặc phù nề;

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng;

4. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định;

5. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tác giả: Trang Lê