Nhiễm độc chì ở trẻ em do sử dụng thuốc nam không đúng cách

Nhiễm độc chì ở trẻ em do sử dụng thuốc nam không đúng cách
Việc lạm dụng và dùng thuốc nam không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ, cụ thể là tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em.

1. Báo động tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em vì sử dụng thuốc nam bừa bãi

Chị Nguyễn Thị Chung (xã Quế Nham – Tân Yên, Bắc Giang) vô cùng xót xa khi hai cháu bé nhà chị một cháu 14 tuổi, 1 cháu 12 tuổi bị nhiễm độc chì do uống thuốc nam chữa chứng kén ăn.

Thấy con biếng ăn, chị đã tin tưởng đến nhà ông thầy lang trong vùng để cắt thuốc cho hai cháu. Về nhà, thấy các con ăn ngủ tốt hơn, hai vợ chồng chị càng thêm yên tâm và tin tưởng.

Tuy nhiên, một thời gian sau các cháu lại trở nên biếng ăn, lười học, kém tập trung và mất ngủ. Thấy các bé trong vùng bị nghi nhiễm độc chì do ngộ độc thuốc nam, chị Chung cũng đưa hai con đi thử máu. Tại bệnh viện, kết quả là hai cháu mức độ nhiễm chì trên 10 mcg/dl, một cháu 14 mcg/dl, đây là ngưỡng vượt quá quy định lượng chì trong người.

Ảnh 2.

Nguồn: Internet

Hai cháu đã tham gia vào dự án thải độc chì tại nhà do Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai kết hợp với Trung tâm thải độc toàn diện Nam Việt thực hiện. Ở cả thôn Đông Mai, xã Chi Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên - làng nghề làm truyền thống có trên 350 cháu bị nhiễm độc chì.

2. Bác sĩ nói gì về tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em

PGS. TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chì là kim loại độc với nhiều cơ quan trọng cơ thể đặc biệt là trí tuệ trẻ em. Nồng độ chì trong máu càng tăng thì trí tuệ càng giảm. 

Tại trung tâm Chống độc từ năm 2011 đến nay ghi nhận các ca bệnh nhiễm độc chì ở trẻ em tăng đột biến. PGS Duệ cho biết có cháu uống thuốc nam từ bé và khi có biểu hiện "khác lạ" bố mẹ cháu đưa con đến khám thì tỷ lệ ngộ độc chì xét nghiệm trong máu lên tới 600 mcg/dl, gấp 60 lần so với chuẩn của Việt Nam.

Các biểu hiện lâu dài cũng không điển hình, như: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Nhìn bên ngoài, trẻ có thể bị xanh xao, chán ăn, gầy yếu do thiếu máu,...

Ảnh 3.

Cách đây nhiều năm, một bệnh nhi 5 tuổi khi chụp Xquang còn thấy xương ánh lên vì nhiễm độc chì ở trong xương quá nhiều. Đã hơn chục năm, đến nay, bố mẹ cháu bé vẫn phải kiên trì thải độc chì cho con. Hàm lượng chì trong máu của bé đến nay vẫn còn 20 mcg/dl.

Ảnh 4.

Nguồn: Internet

Một trường hợp khác, bệnh nhi mới 1 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng co giật, viêm não cấp do ngộ độc chì. Được biết, bé được người nhà cho sử dụng thuốc nam để trị tưa lưỡ. Hay có những bé đến viện bị nhược cơ không thể ngồi được, người oặt ẹo… có rất nhiều trường hợp thương tâm.

3. Gian nan điều trị nhiễm độc chì 

Việc giải độc chì trong cơ thể đòi hỏi rất nhiều thời gian và chi phí. Chưa hết, bệnh nhân bị nhiễm độc chì phải sử dụng thuốc thải độc có tác dụng mạnh, nhiều tác dụng phụ như dao hai lưỡi nên việc thải độc phải được giám sát kỹ. 

Chì vào trong cơ thể tích tụ chủ yếu là xương và các tổ chức cơ quan, nồng độ xương cao nhất, kho dự trữ chì trong xương chiếm 2/3 cơ thể. Chì tồn tại trong máu, não gây hại nhưng chỉ có 1 phần. Nếu không dùng thuốc thải độc chì để cơ thể tự đào thải phải mất 30 năm mới được đào thải. 

Ảnh 5.

Nguồn: Internet

Một loại thuốc quen thuộc là thuốc cam chữa chứng biếng ăn chứa một hàm lượng chì rất lớn, vì màu da cam là màu của vị hồng đơn, là màu của oxit chì khi trộn vào thuốc đông y. Vì vậy, khi lựa chọn sử dụng thuốc nam, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm và tỉnh táo, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Đối với các vật như: sơn, pin, ác quy, đồ chơi,... có chứa chì, cha mẹ cần lưu ý tránh để trẻ tiếp xúc với các loại vật dụng này để đảm bảo an toàn cho bé.

Theo Trí thức trẻ

Tác giả: Bùi Thảo Ngân