Trái nhàu có danh pháp khoa học là Morinda citrifolia, được biết có nhiều tên gọi khác như cây ngao, nhàu núi, giàu, ... Vẻ ngoài của loại quả này trông sần sùi, hương vị kén chọn người ăn, nhiều người có rằng nhàu có hương thơm đặc trưng, ăn đậm vị nhưng đa phần mọi người lại thấy loại quả này có mùi khai và rất khó ăn.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực sức khoẻ, quả nhàu có giá trị dinh dưỡng cao, hỗ trợ tăng cường sức khoẻ và được tận dụng làm vị thuốc trong Đông Y.
Trong trái nhàu chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu và đặc biệt có chứa những chất chống oxy hoá mạnh mẽ, cụ thể:
- Vitamin C
- Biotin
- Folate
- Magiê
- Kali
- Canxi
- Vitamin E
Nhờ có hàm lượng dinh dưỡng phong phú này, quả nhàu đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Đọc thêm:
- Quả trám bắt đầu vào mùa, không những đưa miệng mà loại quả này còn là vị thuốc quý
- 9 lý do bạn nên bổ sung quả roi vào chế độ ăn uống mùa hè
Dưới đây là 5 lợi ích đối với sức khoẻ mà trái nhàu đem lại:
Tác dụng được nhiều người biết đến của quả nhàu đó là giúp giảm đau khớp. Trong Đông Y, người ta thường sử dụng nhàu khô để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như phong thấp, đau khớp, nhức mỏi tay chân, ...
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra được tác dụng giảm đau này của trái nhàu. Chẳng hạn nghiên cứu được đăng trên tạp chí Thực phẩm lưu ý rằng các thử nghiệm lâm sàng ở người đã chứng minh những lợi ích tiềm năng của nước ép trái nhàu đối với khớp, bao gồm giảm đau và tăng phạm vi chuyển động.
Trong một mẫu nhỏ những người bị thoái hóa đốt sống cổ, 60% số người cho biết đã hết đau cổ sau khi uống 15ml Nước ép trái nhàu hai lần một ngày trong bốn tuần.
Trong quả nhàu có chứa hàm lượng vitamin C tương đối cao mà loại vitamin này hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do và các chất độc từ môi trường.
Ngoài ra, trong trái nhàu chứa nhiều chất chống oxy hoá, chẳng hạn như beta carotene - cũng có thể cải thiện sức khỏe miễn dịch.
Một nghiên cứu nhỏ kéo dài 8 tuần cho thấy những người khỏe mạnh uống khoảng 330 ml nước ép nhàu mỗi ngày đã tăng hoạt động của tế bào miễn dịch và giảm mức độ căng thẳng oxy hóa.
Trái nhàu có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol và giảm viêm, cả hai đều có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Thế giới lưu ý rằng ở những người nghiện thuốc lá nặng khi uống nước ép trái nhàu đã giảm các yếu tố nguy cơ như mức cholesterol LDL và mức cholesterol toàn phần. Ở những người không hút thuốc, một nghiên cứu khác cho thấy rằng nước ép trái nhàu làm giảm huyết áp và nhịp tim.
Tiếp xúc với khói thuốc lá tạo ra một lượng gốc tự do nguy hiểm. Lượng quá nhiều có thể gây tổn thương tế bào và dẫn đến stress oxy hóa. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như bệnh tim, tiểu đường và ung thư.
Trái nhàu có chứa nhiều chất chống oxy hoá nên hữu ích trong việc chống lại sự tấn công của gốc tự do đến các tế bào, ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
Trong một nghiên cứu, những người nghiện thuốc lá nặng được cho uống 118 ml nước ép trái nhàu mỗi ngày. Sau 1 tháng, họ đã giảm được 30% hai gốc tự do phổ biến so với mức cơ bản.
Tác dụng cải thiện sức bền của trái nhàu được cho là liên quan đến chất chống oxy hóa của loại quả này, có thể làm giảm tổn thương mô cơ thường xảy ra trong khi tập thể dục.
Để nhận được những lợi ích từ quả nhàu, mọi người có thể ăn nhàu tươi, uống nước ép nhàu hoặc phơi khô trái nhàu để làm trà uống hàng ngày.
Ngoài ra, trái nhàu còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông Y, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý, cụ thể:
- Bài thuốc trị đau lưng, nhức mỏi người và tay chân: Đem quả nhàu non cắt mỏng sau đó sao khô. Dùng 300g dược liệu ngâm với 1 lít rượu 30 – 40 độ trong 14 ngày. Mỗi lần dùng 30 – 40ml, ngày uống 2 lần để giảm đau nhức.
- Bài thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt ở người cao huyết áp: Sử dụng 20g hương phụ (tẩm giấm sao) và 20g quả nhàu, cam thảo dây 6g, ích mẫu 20g. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi sắc, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 2-3 lần uống/ngày.
- Bài thuốc chữa chứng táo bón ở người cao huyết áp: Ăn quả nhàu tươi với 1 ít muối. Ăn vài lần là có thể đại tiện như bình thường.
- Bài thuốc chữa kiết lỵ: Lấy khoảng 4 -5g quả nhàu đã già, đem nướng chín và ăn vài lần trong ngày.
- Bài thuốc trị bầm tím do té ngã, chấn thương: Sử dụng 12g nhàu non đem nướng chín, phơi khô rồi sắc uống 3 lần/ngày. Nên dùng bài thuốc trước khi ăn và dùng từ 5 đến 10 thang cho đến khi hết đau nhức.
Tuy nhiên, các bài thuốc này mang tính dân gian và chưa được khoa học kiểm chứng. Do đó, mọi người nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt, những người có bệnh lý mãn tính không tự ý sử dụng các bài thuốc trên khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Trai nhàu có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng khi ăn loại quả này, mọi người nên lưu ý:
- Cây nhàu có chứa anthraquinone, hợp chất được tìm thấy là gây độc cho gan. Đã có một số báo cáo xác nhận về tổn thương gan, bao gồm viêm gan và suy gan, do ăn hoặc uống nhiều nước ép nhàu. Vì vậy, mọi người nên ăn vừa đủ để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
- Những người mắc bệnh thận, tim và gan cũng như những người dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) nên tránh hoặc hạn chế ăn quả nhàu. Vi trong quả nhàu có chứa kali, nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tăng kali máu.
- Nếu bạn bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu như Coumadin (warfarin) hoặc Plavix (clopidogrel), bạn cũng nên tránh sử dụng trái nhàu vì nó có thể làm chậm quá trình đông máu.
- Quả nhàu cũng có thể tương tác với một số loại thuốc khác, do đó, nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại quả này.
Nguồn tham khảo:
1. What Is Noni Juice? Everything You Need to Know
2. What is noni juice, and is it beneficial?