Nhân trần có nhiều tên gọi khác nhau như hoắc hương núi, chè nội, chè cát hay tuyến hương lam. Đây là loại cây thân thảo, là loại cỏ sống lâu năm. Nhân trần sẽ nở hoa vào từ tháng 4 đến tháng 9, hoa màu tím hoặc màu lam, mọc thành từng cụm.
Nhân trần có 2 loại:
+ Nhân trần Bắc: có mùi thơm nhẹ, màu xám hơi vàng
+ Nhân trần Nam: còn gọi là hoắc hương núi, khi khô có màu nâu sẫm và mùi thơm hắc, nồng hơn nhân trần Bắc
Thân cây nhân trần có chứa tinh dầu với hàm lượng khoảng 1%, gồm paracymen (chủ yếu), pinen, limonene, cineol, anethol.
Cây nhân trần thường mọc hoang ở đồi núi, bờ ruộng. Trước kia nhân trần là loại cỏ nhưng khi biết loại cây này có công dụng tốt, mọi người mới bắt đầu sử dụng và ưa chuộng.
Tác dụng được biết đến nhiều nhất khi dùng nhân trần đó là giải nhiệt. Ngoài ra, nhân trần có nhiều tác dụng khác đối với sức khỏe, cụ thể:
Khi nhân trần được đun lên sẽ có đến 6,7-dimethoxycoumarin, đây là chất có tác dụng lợi mật và giảm trương lực cơ vòng Oddi. Do đó giúp mật bài tiết dễ dàng hơn, tránh tình trạng tắc mật.
Viêm gan cấp gây ra tình trạng vàng da, đầy bụng, chán ăn, tăng bilirubin máu, tăng men gan, … Đã có nghiên cứu chỉ ra nhân trần có tác dụng giảm chỉ men gan, bilirubin, giúp người bệnh ăn ngon, da bớt vàng, tinh thần thoải mái, …
Theo kết quả nghiên cứu 3 cây thuốc chi Adenosma mang tên "Nhân trần" chữa bệnh gan trong y học cổ truyền, đối chiếu với các thành phần hoá học trong cây chữa bệnh gan, có thể dự đoán rằng thành phần chữa gan chủ yếu là nhóm flavon, acid nhân thơm. Tinh dầu giúp tăng cường tiết mật. Các saponin có vai trò chính trong việc kích thích ăn uống.
Mà 3 cây thuốc chi Adenosma mang tên "Nhân trần" đều có chứa tinh dầu, flavon, acid nhân thơm và saponin, có thể hỗ trợ chữa bệnh gan, đặc biệt là viêm gan virus và xơ gan.
Đọc thêm:
- Cây hoàn ngọc có tác dụng gì?
Uống nhân trần có tác dụng hỗ trợ hạ mỡ máu, điều trị rối loạn chuyển hóa lipid, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nhân trần còn có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn như lao, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn A, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ, tụ cầu vàng, … giúp hỗ trợ điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, uống nhân trần còn hỗ trợ chữa loét miệng, nấm da, mụn nhọt, mẩn ngứa, cải thiện giấc ngủ, đẹp da …
Nhân trần như một loại trà thanh nhiệt rất tốt nhưng không nên dùng quá nhiều, trừ những trường hợp có các bệnh liên quan đến gan, mật, … Vì vậy, đối với người bình thường mỗi tuần nên dùng nhân trần từ 3 đến 4 lần. Hãm nhân trần với nước sôi, có thể để mát trong tủ lạnh để giải nhiệt mùa hè.
Đối với những trường hợp có một số bệnh lý như viêm gan cấp, viêm túi mật, sỏi mật, mụn nhọt, … có thể sử dụng một số công thức sau:
- Công thức 1: Dùng 30g nhân trần vụn hãm với nước sôi, để 15 phút cho nhân trần ra các dưỡng chất là có thể sử dụng. Cách làm này vừa đơn giản lại thanh nhiệt, lợi thấp, tốt cho người viêm gan cấp tính và mãn tính.
- Công thức 2: Nhân trần (300g) kết hợp với sinh đại hoàng (60g), thêm 30g trà. Tán vụn 3 vị, mỗi ngày dùng khoảng 30g hãm với nước sôi, ủ 10 đến 15 phút. Uống thay trà hàng ngày, giúp thanh nhiệt lợi thấp, hỗ trợ điều trị viêm gan cấp tính.
- Công thức 3: Dùng 500g bạch hoa xà thiệt thảo, nhân trần 150g, 50g sinh cam thảo. Tất cả tán vụn, mỗi ngày lấy 60g hãm với nước sôi, ủ trong bình kín khoảng 15 phút có thể dùng được, uống hàng ngày. Pha nhân trần theo cách này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thoái hoàng; dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.
- Công thức 4: Lấy 500g mạch nha, nhân trần 500g, quất bì 250g. Đem tất cả đi sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín. Sau 20 phút có thể thưởng thức. Những người bị sơ can lý khí, tiêu thực thoái hoàng; viêm gan giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu nên pha trà theo công thức này.
- Công thức 5: Sử dụng râu ngô 300g, kết hợp với 150g và 150g bồ công anh. Cũng như các công thức trên, tán vụn các nguyên liệu, mỗi ngày dùng 50g hãm lấy nước uống. Uống trà này thường xuyên sẽ hỗ trợ chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật…
Lưu ý: khi uống nhân trần hàng ngày nhằm hỗ trợ điều trị bệnh lý, chỉ nên uống trong một thời gian nhất định, chẳng hạn uống nửa tháng đến 1 tháng, sau đó giảm dần, mỗi tuần chỉ nên dùng 2 đến 3 lần. Các bạn có thể tham khảo thêm ý kiến từ thầy thuốc Đông y hoặc bác sĩ Y học cổ truyền để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Mặc dù nhân trần có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ nhưng một số trường hợp sau không nên sử dụng loại nước uống này:
- Người già và trẻ nhỏ nên thận trọng khi dùng nhân trần. Vì chức năng tiêu hoá của người già và trẻ nhỏ không ổn định, khả năng hấp thụ kém, không nên uống những loại đồ uống có tính giải nhiệt cao. Nếu 2 đối tượng này thường xuyên dùng nhân trần có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá, chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, …
- Phụ nữ có thai, nếu như không có chỉ định của bác sĩ không nên sử dụng nước nhân trần. Phụ nữ có thai uống nhiều nhân trần có thể gây ra tình trạng thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, sảy sớm, … Ngoài ra, phụ nữ sau sinh không nên dùng loại nước uống này vì sẽ làm mất sữa, ít sữa cho con.
- Không kết hợp nhân trần với cam thảo: Theo đông y, nhân trần có vị đắng, cay, lợi mật, tốt cho gan, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, bụng đầy trướng, bị tiện... Còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị ho suyễn, hầu họng sưng đau, giải độc thuốc và thức ăn, chống suy nhược…Khi kết hợp hai loại thảo dược này sẽ dẫn đến tình trạng giữ nước, phù nề cao, tai biến, làm tăng huyết áp.
- Nếu không có các bệnh lý về gan, mật không nên uống nhân trần thường xuyên. Dùng quá nhiều sẽ gây tổn hại gan, mật do phải điều tiết quá nhiều.
- Nếu không tự làm, phơi sấy được nhân trần, khi mua bên ngoài nên mua những nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải nhân trần bị phun thuốc diệt cỏ, bị ẩm mốc.
Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi: "Nhân trần có tác dụng gì?". Tuy là đồ uống thanh nhiệt hiệu quả nhưng mọi người không nên lạm dụng, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi dùng nhân trần để hỗ trợ điều trị bệnh nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ Y học cổ truyền, thầy thuốc Đông y có chuyên môn cao.