Nhận biết tác dụng phụ một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng

Nhận biết tác dụng phụ một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị tăng huyết áp được dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc hạ huyết áp thì ngoài những ưu điểm như hạ áp nhanh, hiệu quả,... người bệnh cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tác dụng phụ khác nhau.

Trong các phương pháp điều trị tăng huyết áp, sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp là phương pháp cơ bản và thường được sử dụng hàng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm như hạ huyết áp nhanh, hiệu quả và tiện lợi khi sử dụng thì người bệnh cũng phải đối mặt với một nhược điểm rất lớn khi sử dụng thuốc hạ huyết áp chính là các tác dụng phụ do thuốc gây nên.

1. Tác dụng phụ của một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng

Như đã nói, các loại thuốc hạ huyết áp có thể gây nên một số tác dụng phụ ở người bệnh. Những tác dụng phụ này có thể thay đổi mức chỉ gây ảnh hưởng nhẹ đến bệnh nhân cho đến mức nặng nề cần phải giảm liều, ngưng thuốc và thay đổi thuốc điều trị.

Một số tác dụng phụ của các nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng hiện nay:

- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu là loại thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng trên lâm sàng. Nhờ khả năng tác động lên quá trình tái hấp thu ở cầu thận nên nó giúp làm giảm khối lượng tuần hoàn, tăng đào thải muối,... vì thế làm có thể giúp làm giảm huyết áp.

Chính bởi tác động lên quá trình tái hấp thu ở thận, do đó những tác dụng phụ liên quan đến sử dụng thuốc lợi tiểu để hạ huyết áp chủ yếu bao gồm tác dụng lợi tiểu quá mức gây mất nước (khát nước, khô miệng, táo bón,...), tình trạng mất kali, hoặc mất các chất điện giải khác như calci,...

- Thuốc chẹn kênh calci: Thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn kênh calci gây giãn mạch và giảm sức co bóp cơ tim nhờ vào khả năng ức chế hoạt động của kênh calci ở màng tế bào cơ trơn thành mạch và tế bào cơ tim. 

Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác nhau kể đến như cơn nóng bừng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,... Hoặc đôi khi các tác dụng phụ có thể nặng nề hơn như nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền, suy tim sung huyết,... tuy nhiên các tác dụng nặng nề này thường khá hiếm gặp.

- Thuốc ức chế men chuyển: Thuốc ức chế men chuyển là thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của converting enzym, nên ngăn không cho angiotensin 1 chuyển thành angiotensin 2-một chất có tác dụng co mạch gây tăng huyết áp rất mạnh. Ho khan, phát ban, hoa mắt, chóng mặt, thay đổi vị giác, phù mạch, tăng kali máu,... là những tác dụng phụ điển hình khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển.

- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: Thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế thụ thể angiotensin II tác động trực tiếp vào các thụ thể angiotensin II trên màng tế bào, làm tế bào không đáp ứng với angiotensin II nên chất này không thể gây co mạch làm tăng huyết áp. 

Tuy nhiên, điểm nổi bật của thuốc ức chế thụ thể angiotensin II so với sử dụng thuốc ức chế men chuyển là nó ít gây tác dụng phụ hơn trên bệnh nhân. Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II bao gồm chóng mặt, phù mạch, tăng kali máu, hạ huyết áp có triệu chứng,...

- Thuốc chẹn beta giao cảm: Ngày nay, các thuốc chẹn beta giao cảm đã ít được sử dụng hơn trong điều trị tăng huyết áp như một lựa chọn đầu tay, nó chỉ thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhân có chỉ định cụ thể như suy tim,... 

Các tác dụng phụ mà thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm có thể gây nên kể đến gồm gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp có triệu chứng, khiến mặt đỏ bừng, phù mắt cá chân, rối loạn tiêu hóa,...

Ngoài ra, nếu sử dụng các nhóm thuốc hạ huyết áp khác thì bệnh nhân cũng có thể gặp các tác dụng phụ như tăng kali máu, rối loạn chức năng thận, vú to ở nam giới khi sử dụng thuốc đối kháng aldosterol hay nhịp tim chậm, tổn thương gan, phát ban, khó thở, dễ xuất huyết khi sử dụng methydopa,...

Nhận biết tác dụng phụ một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng - Ảnh 1.

Bệnh nhân phải đối mặt với các nguy cơ tác dụng phụ khi sử dụng thuốc hạ huyết áp (Ảnh: Internet)

2. Làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp?

Chính bởi việc sử dụng các thuốc hạ huyết áp có thể gây nên nhiều tác dụng phụ trong quá trình điều trị, việc phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc là điều vô cùng quan trọng. Vậy làm thế nào để hạn chế các tác dụng phụ do thuốc hạ huyết áp gây nên?

- Khai báo đầy đủ, chính xác tiền sử y tế của bản thân: Trước khi bác sĩ kê đơn thuốc hạ huyết áp, bệnh nhân cần khai báo một cách trung thực và đầy đủ các tiền sử y tế của bản thân liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc như tình trạng dị ứng, hay các bệnh lý gan, thận, trạng thái sức khỏe đặc biệt như mang thai, hoặc các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng hiện nay,...

Những thông tin này giúp bác sĩ lựa chọn được loại thuốc phù hợp nhất để tối ưu hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ.

- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ: Vấn đề sử dụng thuốc hạ huyết áp rất phức tạp. Chỉ định sử dụng thuốc cần được đưa ra dựa trên mức độ tăng huyết áp, tiền sử y tế của bệnh nhân, các bệnh lý mắc kèm, khả năng kinh tế,...

Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, điều này có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

- Dùng thuốc đúng cách: Khi sử dụng thuốc hạ huyết áp, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn sử dụng thuốc bao gồm đúng loại thuốc, đúng liều thuốc và đúng thời gian sử dụng thuốc.

- Theo dõi và phát hiện sớm các tác dụng phụ nếu có: Sau khi sử dụng thuốc hạ huyết áp, người bệnh cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe bản thân. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra sau khi sử dụng thuốc thì hãy thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nhận biết tác dụng phụ một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng - Ảnh 2.

Các dấu hiệu tác dụng phụ khi sử dụng thuốc hạ huyết áp cần phải được thông báo ngay với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp (Ảnh: Internet)

Qua đây có thể thấy rằng, vấn đề tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp là vấn đề rất quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu khi sử dụng thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình thăm khám, điều trị để luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp.


Tác giả: QN