Nhận biết sớm dấu hiệu bị chốc lở - bệnh ngoài da dễ nhầm với thủy đậu

Nhận biết sớm dấu hiệu bị chốc lở - bệnh ngoài da dễ nhầm với thủy đậu
Chốc lở là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn cũng hoàn toàn có thể bị bệnh này. Những dấu hiệu bị chốc lở rất dễ nhận biết, vì vậy ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu chốc lở, bạn hãy nhanh chóng điều trị để bệnh không lây lan.

1. Chốc lở là bệnh gì?

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng ngoài da rất dễ lây, gây đau và làm xuất hiện những vết loét đỏ trên da. Các vết loét này thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Trong một số trường hợp chúng thường đặc biệt xuất hiện xung quanh mũi, miệng, trên bàn tay và bàn chân.

Một khi vết loét bị vỡ, chất lỏng sẽ chảy ra và sau đó hình thành một lớp vảy màu vàng nâu.

Ảnh 1.

Chốc lở là bệnh ngoài da rất dễ lây lan (Ảnh: Internet)

2. Các loại chốc lở

Bệnh chốc lở có ba loại là chốc lở truyền nhiễm, chốc lở dạng phỏng và mụn mủ.

2.1. Chốc lở truyền nhiễm

Đây là thể bệnh chốc lở thường gặp nhất, bắt đầu là một nốt mụn đỏ trên mặt, thường xuất hiện quanh mũi và miệng. Nốt mụn nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Cuối cùng vảy sẽ bong ra, để lại một vết đỏ mà không gây sẹo.

Nốt mụn có thể ngứa nhưng không đau. Trẻ nhỏ bị chốc lở dạng này không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở vùng bị bệnh. Do chốc lở rất dễ lây nên chỉ cần đụng chạm hoặc gãi vào vết mụn cũng làm cho bệnh lây lan sang những nơi khác.

2.2. Chốc lở dạng phỏng

Chốc lở dạng phỏng chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, gây ra những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường xuất hiện ở phần thân cơ thể, cánh tay và cẳng chân. Vùng da xung quanh nốt phỏng đỏ và ngứa nhưng không loét. Nốt phỏng sẽ vỡ và đóng vảy màu vàng và có thể lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.

2.3. Mụn mủ

Đây là thể chốc lở nặng nhất, trong đó nhiễm trùng thâm nhập sâu vào lớp bì da. Các dấu hiệu bệnh chốc lở dạng mụn mủ là:

- Những nốt mụn đau chứa đầy dịch hoặc mủ biến thành vết loét sâu, thường ở cẳng chân và bàn chân

- Vảy dày, cứng, màu vàng xám trên vết mụn

- Sưng hạch ở vùng bị bệnh

3. Dấu hiệu bị chốc lở

Chốc lở là bệnh ngoài da có những triệu chứng, dấu hiệu rất dễ nhận biết. Dưới đây là những dấu hiệu bị chốc lở thường gặp.

3.1. Chốc có bọng nước

Ảnh 2.

Xuất hiện bọng nước trên da là dấu hiệu bị chốc lở dễ nhận thấy (Ảnh: Internet)

- Xuất hiện các vết rát đỏ kích thước 0,5-1 cm ở mặt, vùng da hở hoặc bất kỳ chỗ nào trên cơ thể kể cả lòng bàn tay, bàn chân (không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc). Các vết này dần dần phát triển thành bọng nước (mụn nước). Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Sau vài giờ hoặc vài ngày, bọng nước bị vỡ và sẽ chảy ra dịch rồi sau đó tạo thành một lớp vảy màu vàng nâu phía trên.

- Biểu hiện toàn thân là viêm hạch lân cận, sốt rất hiếm gặp trừ khi chốc lở lan tỏa hoặc có biến chứng.

3.2. Chốc không có bọng nước

- Có các mụn nước, mụn mủ ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi nhưng trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da. Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. Một số trường hợp có thể thấy các vết thương tổn trên da ở xung quanh vết chốc lở.

Ảnh 3.

Vết loét có vảy cũng là một trong những dấu hiệu bị chốc lở điển hình (Ảnh: Internet)

Loại chốc lở này thường gặp ở những trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa, ghẻ, hoặc một bệnh da nào đó kèm theo bội nhiễm, hầu như không gặp thương tổn ở niêm mạc.

Ngoài ra, dấu hiệu bị chốc lở còn kèm theo ngứa và đau nhức. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, vết loét đầy mủ sẽ trở thành vết loét sâu.

4. Làm gì khi bị chốc lở?

Khi bị chốc lở, bệnh nhân không được dùng tay để làm dập vỡ mụn nước, mụn mủ, không cạy vảy da. Khi phát hiện có những dấu hiệu bị chốc lở kể trên, người bệnh nên đi khám để được xác định chính xác căn bệnh bởi bệnh chốc lở có những đặc điểm bên ngoài giống với các bệnh ngoài da khác chẳng hạn như bệnh thủy đậu.

Để phòng bệnh chốc lở, cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ cho da khô, thoáng, rửa tay hằng ngày sạch sẽ bằng xà phòng, cắt ngắn móng tay, móng chân, tránh gãi, cào gây trầy xước da.

Ảnh 4.

Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để phòng bệnh chốc lở (Ảnh: Internet)

Tác giả: D.A