Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhưng bàng quang và niệu đạo là 2 bộ phận thường bị nhiễm trùng nhất. Nhiễm trùng ở trong bàng quang có thể gây đau đớn và gây phiền toái. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu UTI lây lan đến thận.
Điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu, các bác sĩ thường ưu tiên sử dụng kháng sinh.
Thực tế, không phải căn bệnh nào cũng đưa ra những dấu hiệu cảnh báo sớm. Đối với bệnh nhiễm trùng đường tiểu cũng vậy. Nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng điển hình bao gồm: buồn tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu són, mất kiểm soát khi tiểu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, nặng hơn còn có thể có mủ hoặc máu trong nước tiểu.
Tùy vào cơ quan bị nhiễm trùng, các triệu chứng khác nhau của bệnh sẽ xuất hiện:
- Thận bị nhiễm trùng: Sốt, buồn nôn, nôn mửa, hay run rẩy hoặc đau lưng.
- Bàng quang bị nhiễm trùng: Bệnh nhân sẽ thấy đau tức (bụng dưới), thường xuyên đi tiểu nhưng tiểu buốt và ra máu.
- Niệu đạo bị nhiễm trùng: Sẽ xuất hiện dấu hiệu tiểu buốt và có dịch tiết ra từ niệu đạo.
Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt là tiểu buốt, bạn nên khám bác sĩ. Nhiễm trùng đường tiểu thông thường có thể trị khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trùng tiểu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thận học hoặc tiết niệu vì thường là sẽ có nguyên nhân gây tắc nghẽn hoặc bất thường cấu trúc đường tiểu.
Là hiện tượng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu thông qua niệu đạo, lan sang bàng quang. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng:
- Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang): Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) và một loại vi khuẩn thường gặp trong đường tiêu hóa (GI). Khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu và di chuyển lên trên các bộ phận khác.
- Nhiễm trùng niệu đạo (viêm niệu đạo): UTI có thể xảy ra khi vi khuẩn GI lây từ hậu môn đến niệu đạo. Ngoài ra, vì niệu đạo nữ gần âm đạo, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh mụn rộp, bệnh lậu, chlamydia và mycoplasma có thể gây ra viêm niệu đạo.
- Giới tính: Niệu đạo nữ ngắn hơn nam nên con đường vi khuẩn đến bàng quang ngắn hơn, khiến nữ giới dễ bệnh hơn nam giới.
- Hoạt động tình dục không an toàn.
- Sử dụng các biện pháp tránh thai: Phụ nữ sử dụng màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng có khả năng mắc bệnh cao hơn.
- Phụ nữ đã mãn kinh: Sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm phụ nữ dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn.
- Bất thường đường tiết niệu: Trẻ sơ sinh có dị tật đường tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài như bình thường được hoặc làm nước tiểu ứ lại trong niệu đạo có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Tắc nghẽn đường tiểu: Sỏi hoặc tuyến tiền liệt phì đại có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang.
- Suy giảm miễn dịch: Bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Đặt ống thông tiểu: Thường gặp ở những người không thể tự đi tiểu được và phải đặt ống thông để rút nước tiểu ra.
Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nặng nề sau đây khi không được điều trị đúng cách:
– Viêm thận bể thận cấp
– Áp xe quanh thận
– Nhiễm trùng máu
– Suy thận cấp
– Với phụ nữ đang trong thời kì mang thai mắc bệnh có thể gây ra tình trạng xảy thai, nhiễm trùng sơ sinh…
Đối với các bệnh lý liên quan đến bàng quang, thận, đường tiết niệu uống đủ nước kết hợp với nước ép hoa quả là giải pháp hiệu quả giúp thanh lọc đường tiểu, làm sạch thận và hỗ trợ điều trị viêm nhiễm. Đồng thời, nên đi tiểu thường xuyên để làm rỗng bàng quang, tránh tích tụ chất bẩn.
Ngoài ra, chú ý đến việc vệ sinh đúng cách. Sau khi đi vệ sinh, nên lau từ trước ra sau, phụ nữ tránh xịt nước sâu vào âm đạo, nên tắm vòi hoa sen hơn là tắm bồn, mặc quần áo lót đúng cách, tránh quần ôm sát, gây bí... Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
Theo Trí Thức Trẻ
Minh Ngọc