Nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp

Nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp
Tăng huyết áp gây ảnh hưởng lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu không được kiểm soát tốt, các biến chứng tăng huyết áp có thể xảy ra và để lại nhiều hậu quả, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Tăng huyết áp là căn bệnh mãn tính và cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể không hề có bất kỳ biểu hiện gì cho đến khi các biến chứng mà nó gây nên xảy ra. Điều này khiến cho việc phát hiện sớm tăng huyết áp khi chưa có biến chứng trở nên khó khăn hơn và gánh nặng bệnh tật do tăng huyết áp gây ra nghiêm trọng hơn.

Chính vì vậy, làm thế nào để nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp cũng là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát được các biến chứng tăng huyết áp ngay từ giai đoạn mới xảy ra.

Cách nhận biết dấu hiệu của một số biến chứng tăng huyết áp thường gặp:

1. Tăng huyết áp gây nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một biến chứng tăng huyết áp rất nguy hiểm và cũng rất thường gặp trên thực tế. Nhồi máu cơ tim do biến chứng tăng huyết áp gây nên chủ yếu bởi sự bóc tách của các mảng xơ vữa và sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch gây bít tắc các mạch máu, dẫn đến một vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng.

Với một cơn nhồi máu cơ tim điển hình, bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực đột ngột sau một hành động gắng sức hoặc biến cố mạnh, cảm giác đau như bị bóp nghẹt hoặc đè nặng, đau dữ dội và lan lên cổ cằm, vai trái và mặt trong cánh tay trái, và cơn đau thường kéo dài trên 20 phút. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể cảm thấy khó thở, nôn, buồn nôn,...

Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra không điển hình, bệnh nhân có thể chỉ có đau ở vùng thượng vị, nặng ngực, mệt,... Biểu hiện nhồi máu cơ tim không điển hình như vậy thường hay gặp hơn ở người cao tuổi.

Tăng huyết áp hay huyết áp cao chính là một trong những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Tìm hiểu Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim bạn nhất định phải nắm rõ nếu muốn phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 1.

Nhồi máu cơ tim là biến chứng tăng huyết áp thường gặp (Ảnh: Internet)

2. Suy tim do biến chứng tăng huyết áp

Huyết áp cao khiến tim phải tăng cường hoạt động để đảm bảo cung cấp đủ máu cho các cơ quan trong cơ thể. Hoạt động quá mức trong khoảng thời gian dài khiến các buồn tim bị giãn ra và dày lên làm cho hoạt động bơm máu không còn hiệu quả. Do đó, suy tim cũng là một biến chứng tăng huyết áp rất thường thấy.

Về biểu hiện, bệnh nhân suy tim do biến chứng tăng huyết áp thường biểu hiện bằng hai nhóm triệu chứng chính là các biểu hiện ứ đọng tuần hoàn ngoại vi như khó thở (khó thở khi nằm, khó thở khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm,...) và tình trạng phù (phù do suy tim chủ yếu là phù ở hai chi dưới). Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện của tình trạng giảm cung lượng tim, giảm tưới máu mô như mệt mỏi, đau tức ngực, chán ăn, đầy bụng, đau đầu, lú lẫn, giảm trí nhớ,...

Tùy theo sự biểu hiện các triệu chứng mà suy tim do biến chứng tăng huyết áp có thể được phân thành nhiều mức độ khác nhau, từ mức độ nhẹ và chỉ biểu hiện khi gắng sức cho đến ảnh hưởng đến cả các hoạt động thường ngày của người bệnh như tắm rửa, thay quần áo,..

3. Đột quỵ do tăng huyết áp

Các mảng xơ vữa, cục máu đông hình thành do tăng huyết áp di chuyển tự do trong lòng mạch khiến lòng mạch bị bít tắc hoặc thành mạch bị vỡ bởi áp lực quá cao là hai nhóm cơ chế chính gây nên đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp.

Đột quỵ do biến chứng tăng huyết áp thường xuất hiện rất đột ngột với một số các biểu hiện như đau đầu nhiều, méo miệng, liệt mặt, nói ngọng, tê bì tay chân, yếu hoặc liệt nửa người, nôn mửa đôi khi có thể có tình trạng mất tự chủ đại hoặc tiểu tiện,...

Do đột quỵ diễn ra rất đột ngột và các mô não có thể bị tổn thương không hồi phục chỉ sau khoảng vài phút bị gián đoạn cung cấp máu, chính vì thế nếu bệnh nhân có các biểu hiện của đột quỵ do biến chứng tăng huyết áp thì cần phải được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để can thiệp điều trị sớm nhất có thể.

Nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 2.

Tăng huyết áp có thể gây biến chứng đột quỵ (Ảnh: Internet)

4. Biến chứng mạch máu ngoại biên

Trong một số trường hợp, tăng huyết áp có thể gây biến chứng lên các mạch máu ở khu vực ngoại biên của cơ thể. Các mảng xơ vữa bị bóc tách hoặc các cục máu đông hình thành trong lòng mạch do nguyên nhân tăng huyết áp có thể khiến lòng các mạch máu ở khu vực ngoại biên bị hẹp lại. Điều này giảm cung cấp máu đến các mô và các cơ quan ở ngoại vi.

Những triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh lý động mạch ngoại biên do biến chứng tăng huyết áp có thể kể đến như đau ở các chi, tê bì hoặc bị chuột rút ở các chi,...

5. Biểu hiện biến chứng tăng huyết áp ở thận

Thận là cơ quan rất thường bị tổn thương do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp khiến cho các đơn vị chức năng của thận là các tiểu cầu thận bị xơ hóa và không thể đảm nhận chức năng lọc bình thường, khi này sẽ dẫn đến suy thận.

Trong những giai đoạn đầu của suy thận, người bệnh thường không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào. Cho đến khi các biểu hiện lâm sàng đã xảy ra như phù, đái ít hoặc vô niệu, xuất huyết tiêu hóa,... thì hầu hết đã diễn tiến đến các giai đoạn nặng của suy thận.

Đọc thêm bài viết để hiểu hơn về tình trạng suy thận: Bệnh suy thận là gì? Những thông tin quan trọng cần biết để bảo vệ tính mạng của bạn.

Chính vì thế, để phát hiện sớm tổn thương thận do biến chứng tăng huyết áp thì người ta thường căn cứ vào chỉ số protein niệu, albumin niệu hoặc đánh giá mức lọc cầu thận thông qua chỉ số creatinin máu,...

Nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 3.

Tổn thương thận do biến chứng tăng huyết áp thường không có biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn đầu (Ảnh: Interenet)

6. Nhận biết bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Một trong các biến chứng tăng huyết áp thường gặp khác đó chính là bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Bệnh võng mạc do biến chứng tăng huyết áp là hậu quả của việc các mạch máu ở võng mạc bị dày lên, lớp nội mô mạch máu bị tổn thương,...

Cũng giống như biến chứng ở thận, bệnh võng mạc do biến chứng tăng huyết áp thường không hề biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu, giai đoạn này thường chỉ có thể phát hiện tổn thương thông qua soi đáy mắt. Đến khi có các triệu chứng như nhìn mờ, thu hẹp thị trường xảy ra thì bệnh thường đã diễn tiến đến giai đoạn muộn.

7. Suy giảm trí nhớ do tăng huyết áp

Tăng huyết áp làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, tăng sức cản trong lòng mạch,... khiến hoạt động cung cấp máu cho não trở nên kém hiệu quả. Điều này thường gây nên biến chứng suy giảm trí nhớ ở người bệnh.

Tuy nhiên biến chứng này lại rất dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác khi chỉ thường biểu hiện bằng các triệu chứng không quá đặc hiệu như giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm khả năng tư duy trí tuệ,...

8. Giảm khả năng hoạt động tình dục

Bệnh nhân tăng huyết áp cũng có thể gặp phải các vấn đề liên quan đến sự suy giảm khả năng hoạt động tình dục. Tùy vào giới tính của bệnh nhân mà suy giảm khả năng tình dục do biến chứng tăng huyết áp có thể biểu hiện khác nhau.

Nhận biết sớm các dấu hiệu biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 4.

Suy giảm khả năng tình dục có thể xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp (Ảnh: Internet)

Ở bệnh nhân nam, người bệnh có thể gặp các biểu hiện về rối loạn cương dương, giảm khả năng cương cứng của dương vật. Còn ở nữ, người bệnh có thể cảm thấy giảm ham muốn tình dục hoặc gặp phải tình trạng khô âm đạo khi quan hệ tình dục.

Qua đây chúng ta có thể thấy rằng, biến chứng tăng huyết áp có thể xảy ra ở rất nhiều hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp cần phải tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt huyết áp, tránh các biến chứng xảy ra.


Tác giả: QN