Nhận biết những dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nhận biết những dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu
Có tới 50% phụ nữ mang thai mắc bệnh trĩ do thay đổi về hormone, lưu lượng máu, trọng lượng và kích thước tử cung. Các dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu thường xuất hiện rõ ràng vào tam cá nguyệt thứ ba.

1. Dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu

- Giống như ở các đối tượng khác, chảy máu hậu môn là dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu phổ biến nhất. Tình trạng chảy máu thường xảy ra khi bà bầu đi đại tiện. Máu có thể lẫn trong phân hoặc thấm trên giấy vệ sinh.

- Hormone thay đổi làm các tĩnh mạch sưng to, tử cung mở rộng chèn ép tĩnh mạch, táo bón làm các cơ hậu môn co giãn quá mức. Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho vùng hậu môn của bà bầu bị sưng tấy, xuất hiện những vết nứt, hình thành trĩ ngoại. Triệu chứng là bà bầu thường xuyên cảm thấy đau hoặc xót, nhất là khi bị dính nước tiểu. 

- Xuất hiện búi trĩ sa ra ngoài hậu môn là dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu dễ nhận biết nhất. Thông thường, các búi trĩ có thể tự co lại vào trong hậu môn sau khi mẹ bầu đi đại tiện xong. Nếu là trĩ nội thì búi trĩ như những cục thịt thừa. Nếu là trĩ ngoại thì búi trĩ như 1 đám rối, nằm ngoằn nghèo ở ngoài hậu môn.

- Búi trĩ tiết nhiều dịch có thể làm ẩm ướt vùng hậu môn, từ đó gây viêm nhiễm và ngứa rát. 

- Nếu các cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ thì sẽ làm cho búi trĩ đặc biệt sưng to, gọi là búi trĩ huyết khối. Loại trĩ này khiến cho bà bầu rất đau đớn, gặp nhiều khó khăn khi đi lại, khi ngồi, nhất là khi đi đại tiện.

2. Khi nào bà bầu cần tìm tới bác sĩ?

- Chảy máu hậu môn có thể là dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu, cũng có thể là dấu hiệu của rò hậu môn, nứt hậu môn, thậm chí là ung thư trực tràng, ung thư hậu môn. Vì bệnh trĩ không phải là nguyên nhân duy nhất gây chảy máu gần hậu môn nên bạn cần phải liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất nguyên nhân chảy máu và có phương hướng điều trị thích hợp, loại trừ được nguy cơ mắc những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến thai nhi.

- Nếu bệnh trĩ gây chảy máu nhiều thì bà bầu nên đến bệnh viện để được can thiệp sớm. Bởi mất máu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

- Nếu các dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu không thuyên giảm sau các nỗ lực phòng ngừa và điều trị tại nhà, thì bà bầu cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

- Khi bệnh trĩ gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống thì bà bầu cần được can thiệp y tế sớm, tránh kéo dài làm suy sụp tinh thần và sức khỏe của mẹ bầu.

3. Bệnh trĩ có hết sau khi mang thai

Khoảng thời gian bệnh trĩ phát triển phổ biến nhất là trong tam cá nguyệt thứ ba, trong khi sinh con, và ngay sau khi sinh con. Các dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu có thể biến mất hoàn toàn sau khi mang thai và sinh nở mà không cần điều trị vì nồng độ hormone, lượng máu và áp lực trong ổ bụng giảm sau khi sinh.

Tuy nhiên, nếu sau khi sinh, bà mẹ phải lao động nặng làm sa tử cung, ăn uống thiếu khoa học làm kéo dài tình trạng táo bón,... thì bệnh trĩ hoàn toàn có thể kéo dài sau khi sinh. Trong trường hợp, phụ nữ đang mang thai để tình trạng trĩ phát triển quá nặng, khiến cho các tĩnh mạch bị mất khả năng đàn hồi, thì các dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu cũng sẽ không biến mất.

Chính vì vậy, điều quan trọng là các bà bầu cần thay đổi lối sống để phòng tránh và giảm nhẹ triệu chứng, dấu hiệu bệnh trĩ ở bà bầu cũng như cấp độ của bệnh. Một số gợi ý là ăn uống khoa học để tránh táo bón, không ngồi hoặc đứng quá lâu để giảm áp lực nên các tĩnh mạch, tập Kegel hàng ngày để giúp các cơ quanh hậu môn săn chắc và đàn hồi,....


Tác giả: Minh Vy