Nhận biết dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở người lớn tuổi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nhận biết dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở người lớn tuổi
Người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về xương khớp, điển hình là thoát vị đĩa đệm do sự lão hóa cơ thể gây ra. Nếu có cảm giác đau nhức thắt lưng, mỏi vai gáy, gặp khó khăn khi đi lại và vận động, người cao tuổi cần cẩn trọng bởi rất có thể đó là dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm.

1. Tại sao cần sớm phát hiện dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm ở người cao tuổi?

Theo thống kê cho thấy, trong số 17% dân số bị thoát vị đĩa đệm ở Việt Nam, người cao tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Mặc dù nhóm người trẻ tuổi mắc bệnh này có xu hướng tăng lên trong nhiều năm trở lại đây nhưng sự lão hóa và tuổi tác vẫn luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh này. 

Dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm có thể dễ dàng nhận ra nhưng với tâm lý chủ quan, đa số người lớn tuổi đều bỏ qua cảm giác đau mỏi ban đầu và chỉ thực sự lo lắng, tìm cách điều trị khi bệnh ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có những biến chứng nặng.

Nhận biết sớm những dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm là vô cùng cần thiết đối với người cao tuổi. Ở người già, cơ thể lão hóa ngày một nhanh hơn, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém hơn nên khi bị bệnh sẽ mất nhiều thời gian điều trị và phục hồi hơn so với khi trẻ tuổi. Hơn nữa, biến chứng do bệnh này gây ra cũng nguy hiểm và nặng nề hơn nhiều. 

Đặc biệt với những bệnh xương khớp như thoát vị đĩa đệm, việc chữa trị cho người lớn tuổi gặp nhiều khó khăn và phức tạp, cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các bác sĩ đều khuyên rằng phát hiện sớm triệu chứng thoát vị đĩa đệm vô cùng quan trọng.

2. Dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm lưng ở người cao tuổi

Đa số người lớn tuổi đều than phiền rằng họ thường xuyên bị đau lưng. Mức độ đau nhức ở mỗi người là khác nhau nhưng do quá phổ biến nên biểu hiện này thường dễ bị bỏ qua, không thăm khám cẩn thận. Đau thắt lưng chính là một trong những dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng điển hình nhất. 

Cùng với dấu hiệu thoát vị đĩa đệm lưng này là hàng loạt biểu hiện phát triển đi kèm: cảm giác tê bì như kim châm, bỏng rát hoặc cứng lưng sẽ diễn ra ngày một nhiều. Thậm chí, các bắp chân, cẳng chân, bàn chân, ngón chân một bên cơ thể sẽ bị tê yếu hoặc nhức mỏi, bị đau thần kinh tọa khi dây thần kinh bị chèn ép.

Các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm lưng xuất hiện rõ rệt nhất vào khoảng nửa đêm về sáng khiến người bệnh dễ mất ngủ triền miên. 

Theo thời gian, bệnh tiến triển dần nặng hơn với những biểu hiện như: mất kiểm soát cơ co thắt bàng quang, rối loạn tiểu tiện. Người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn khi cúi người do cơn đau thần kinh tọa lan từ lưng xuống hông, mông và 2 chân.

Mỗi đợt đau đớn kéo dài khoảng 1 - 2 tuần sau đó giảm dần khiến bệnh nhân dễ chủ quan không thăm khám từ đầu. Nhưng sau đó, thời gian đau kéo dài hơn, tần suất đau cũng dày hơn ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và vận động của người bệnh.

3. Dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ở người lớn tuổi

So với thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, những người cao tuổi bị thoát vị đĩa đệm cổ nguy hiểm hơn nhiều bởi tủy sống ở cổ liên quan tới nhiều dây thần kinh quan trọng hơn. Những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cổ dễ nhận biết ở người cao tuổi như:

- Nhức mỏi cổ, vai gáy kèm theo cảm giác tê dại, khó xoay cổ sang trái, phải, ngửa đầu hay cúi đầu đều thấy đau.

- Cảm giác đau và tê bì lan từ vai gáy xuống 2 cánh tay, bàn tay và các ngón tay. Nhiều người già còn bị mất cảm giác khi cầm, nắm, sinh hoạt hàng ngày, run tay, dễ làm rơi vỡ đồ vật.

- Phần lớn người bệnh lớn tuổi bị thoát vị đĩa đệm đều bị đau đầu, chóng mặt, đôi khi mất thăng bằng và ngất xỉu.

- Những triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ rõ rệt nhất vào buổi sáng sớm sau khi tỉnh dậy, có nhiều bệnh nhân bị cứng khớp cổ, không thể vận động được trong một khoảng thời gian nhất định sau đó mới dần trở lại bình thường.

Ngoài ra, người cao tuổi còn dễ bị thoát vị đĩa đệm đa tầng (rất hiếm gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi và trung niên). Đây là loại nguy hiểm nhất và cũng khó điều trị nhất. Người bị thoát vị đĩa đệm đa tầng khó có khả năng phục hồi hoàn toàn do dễ bị biến chứng và rủi ro cao khi điều trị bằng phẫu thuật.


Tác giả: Hoàng Trang