Nhận biết dấu hiệu bệnh thuỷ đậu theo từng giai đoạn để có biện pháp ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng

Nhận biết dấu hiệu bệnh thuỷ đậu theo từng giai đoạn để có biện pháp ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng
Bệnh thuỷ đậu trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi khi nhắc đến. Bệnh không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn là nguyên nhân của nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu rõ dấu hiệu bệnh thuỷ đậu theo từng giai đoạn giúp chúng ta có biện pháp phòng tránh phù hợp, ngăn ngừa nguy cơ lây lan.

Bất cứ ai cũng có khả năng bị thủy đậu một lần trong đời nếu không tiêm vaccine phòng bệnh. Mặc dù phần lớn thủy đậu không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng lại rất dễ gây ra nhiễm trùng da ở nơi mọc mụn nước.

Nhiều trường hợp còn bị biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm màng não nếu không được điều trị sớm. Để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, trước chúng ta cần tìm hiểu các dấu hiệu bệnh thủy đậu theo từng giai đoạn để phát hiện bệnh sớm và phòng tránh bệnh lây lan.

Các dấu hiệu bệnh thủy đậu theo từng giai đoạn

Nhiều người khi tìm hiểu về bệnh sẽ thắc mắc, thủy đậu diễn biến như thế nào? Chúng có những dấu hiệu đặc trưng gì cho từng giai đoạn. Dưới đây là dấu hiệu bệnh thủy đậu từng thời kỳ cụ thể.

Người bị bệnh thủy đậu thường phải trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng. Đó là giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn phục hồi.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu theo từng giai đoạn và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 1.

Nổi mụn nước là dấu hiệu bệnh thủy đậu đặc trưng nhất - Ảnh: Internet

1. Giai đoạn ủ bệnh thủy đậu

Đây là giai đoạn đầu trong tiến trình phát triển của thủy đậu. Các chuyên gia thường gọi thời kỳ này là giai đoạn ủ bệnh.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu thời kỳ này chưa có biểu hiện đặc trưng cụ thể. Tuy nhiên bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, sốt nhẹ kèm theo đau, nhức đầu và cơ thể. Đôi khi xuất hiện triệu chứng buồn nôn, kén ăn dẫn đến suy nhược cơ thể.

Những dấu hiệu bệnh này dễ gây nhầm lần với cảm cúm thông thường, khiến nhiều người chủ quan trong việc chăm sóc, điều trị.

Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 10 - 12 ngày trước khi chuyển sang giai đoạn khởi phát. Ở giai đoạn này mầm bệnh vẫn có thể lây lan từ người này sang người khác và rất khó phòng tránh do không có dấu hiệu cụ thể.

2. Giai đoạn khởi phát bệnh thủy đậu

Bước sang giai đoạn khởi phát người bệnh sẽ biết rằng mình đang mắc thủy đậu. Ở giai đoạn này trên cơ thể bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bệnh thủy đậu đặc trưng.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu theo từng giai đoạn và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 2.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu giai đoạn khởi phát - Ảnh: Internet

Các nốt ban màu đỏ hoặc hồng bắt đầu xuất hiện ở khu vực mặt, ngực, lưng... với kích thước nhỏ. Sau đó chúng sẽ lan dần ra khắp cơ thể người bệnh. Nhiều trường hợp bị nổi hạch sau tai và viêm họng dẫn đến khó khăn khi ăn uống.

Giai đoạn khởi phát thường diễn ra từ 1 - 2 ngày trước khi bước sang giai đoạn toàn phát. Lúc này người bệnh vẫn xuất hiện các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể... kèm theo phát ban.

3. Giai đoạn toàn phát bệnh thủy đậu

Ở giai đoạn toàn phát người bệnh tiếp tục có triệu chứng chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi... Các nốt ban đỏ chuyển biến thành dạng phỏng nước có hình tròn với đường kính khoảng từ 1 - 3mm. Các nốt phỏng gây ngứa, rát khó chịu cho người bệnh.

Ở giai đoạn này, các nốt mụn có thể xuất hiện ở bên trong niêm mạc miệng. Chúng gây lở loét khiến người bệnh ăn uống khó khăn. Một số trường hợp bị nhiễm trùng các nốt mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, chứa dịch mủ đục màu.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu giai đoạn toàn phát rất đặc trưng, bất cứ ai cũng có thể nhận biết. Đây là giai đoạn bệnh có khả năng lây lan mạnh nhất. Do đó chúng ta cần có biện pháp phòng tránh cẩn thận khi tiếp xúc với người bệnh.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu theo từng giai đoạn và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 3.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu giai đoạn phục hồi - Ảnh: Internet

4. Giai đoạn hồi phục bệnh

Giai đoạn toàn phát bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn hồi phục. Dấu hiệu bệnh thủy đậu giai đoạn này rất dễ nhận biết. Đó là các mụn nước tự vỡ, khô lại và bong vảy dần dần.

Thông thường chúng sẽ không để lại sẹo trên da nếu được điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên trong quá trình điều trị nếu các nốt mụn nước bị xây xước, nhiễm trùng do tác động bên ngoài thường để lại sẹo lồi hoặc lõm gây mất thẩm mỹ.

Bên cạnh đó nếu các nốt ban không được vệ sinh đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng hoặc gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh thủy đậu để ngăn ngừa nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.


Tác giả: HT