Không chỉ riêng trẻ em, người lớn cũng dễ bị cong vẹo cột sống. Hiện nay, thực trạng người lớn bị cong vẹo cột sống cũng ngày càng phổ biến. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm, gây dị dạng thân hình, rối loạn tư thế.
Cong vẹo cột sống là tình trạng các đốt sống bị cong sang một bên hoặc xoay phức tạp. Đó cũng là bệnh lý về cột sống phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và người lớn thường xuyên phải lao động nặng, ngồi văn phòng.
- Cong vẹo cột sống xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau trong đó nguyên nhân tự phát ở tuổi vị thành niên chiếm đến 85% các ca mắc bệnh.
- Đối với người lao động: thường xuyên phải bê vác hoạt động nặng trong một thời gian dài gây chấn thương cột sống, vẹo cột sống
- Nằm ngủ sai tư thế: Nhiều người lớn có thói quen nằm ngủ lệch sang một bên trong một thời gian dài, nằm sấp hoặc nằm vẹo người. Những thói quen này tưởng như vô hại nhưng chúng lại là nguyên nhân khiến cột sống của bạn bị biến dạng, lâu dần thành cong vẹo, ảnh hưởng đến vùng ngực và lưng
Khi bị vẹo cột sống, người bệnh sẽ có các dấu hiệu bất thường như sau:
- Gai đốt sống không thẳng hàng;
- Dốc hai vai không đều nhau, bên thấp bên cao;
- Phần xương bả vai nhô ra bất thường;
- Khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau;
- Tam giác eo tạo ra giữa thân và cánh tay có độ hẹp rộng không giống nhau;
- Khi cột sống bị xoáy vặn khiến xương sườn lồi lên, thăn lưng mất cân đối.
Cong vẹo cột sống nhiều trường hợp có thể tự khỏi, tuy nhiên bệnh sẽ nặng hơn nếu như bạn:
- Phớt lờ những triệu chứng hay sự bất thường của cột sống.
- Không đi khám sớm từ khi có những triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện.
- Không phối hợp điều trị với bác sĩ như: không đi khám theo lịch hẹn hoặc không dùng thuốc theo chỉ định và không đồng ý thực hiện vật lý trị liệu.
- Không điều trị béo phì hay thay đổi thói quen khiến bệnh thêm nặng hơn. Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.
Cong vẹo cột sống ở người lớn nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Cụ thể như cảm giác đau cơ, đau chân do dây thần kinh bị ảnh hưởng. Người lớn bị cong vẹo cột sống cũng có thể gặp phải những vấn đề ở hệ tiêu hóa như đường ruột, bàng quang cũng do tổn thương dây thần kinh ở cột sống.
Trong những trường hợp hiếm gặp, chứng vẹo cột sống có thể gây khó thở do độ cong ngang của cột sống làm thay đổi hình dạng của lồng ngực và cơ hoành, từ đó làm giảm đáng kể thể tích phổi. Khi điều trị, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp không phẫu thuật như dùng vật lý trị liệu, thuốc chống viêm... để điều trị an toàn cho người bệnh. Phương pháp phẫu thuật (phẫu thuật chỉnh hình) được coi là phương pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp điều trị khác đều không thành công. Phẫu thuật chỉnh hình thường rất tốn kém và người bệnh cần có thời gian để điều chỉnh lại sinh hoạt, thói quen làm việc...
Để phòng tránh cong vẹo cột sống ở người lớn, bạn cần chú ý đến tư thế, dáng đi, các tư thế trong sinh hoạt như nằm ngủ, lấy đồ, ngồi làm việc...Nếu cảm thấy có một số bất thường về cột sống, cần đi khám để được chẩn đoán tình trạng cơ xương khớp đang gặp phải. Đặc biệt đối với nữ giới bị cong vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng đến vùng xương chậu, tác động đến khả năng sinh sản.