Nhận biết bệnh tay chân miệng với các bệnh có triệu chứng tương tự

Nhận biết bệnh tay chân miệng với các bệnh có triệu chứng tương tự
Tay chân miệng là bệnh nếu không được điều trị đúng cách thì rất dễ xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng lại dễ gây nhầm lẫn với các loại bệnh khác. Vậy làm cách nào để nhận biết bệnh tay chân miệng?

1. Nhận biết bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh, gây ra bởi một số loại virus lây lan qua đường tiêu hoá. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hoá, thông qua các loại dịch tiết mũi, họng, nước bọt hoặc phân của bệnh nhân.

Phần lớn các trường hợp nhiễm tay chân miệng là ở thể nhẹ, bệnh không quá trầm trọng và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm virus tay chân miệng Enterovirus EV71 có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần chú ý tới các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng để phân biệt với các loại bệnh thông thường khác.

Ảnh 1.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Bệnh thường có nhiều triệu chứng tương đồng với các bệnh nhiễm virus khác, gây khó khăn trong việc nhận biết bệnh tay chân miệng. Các dấu hiệu bệnh thường gặp là sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, nôn mửa, xuất hiện các vết loét ở lợi, niêm mạc họng, và các nốt mụn nước ở tay, chân, đầu gối, mông,...

2. Các loại bệnh có triệu chứng tương tự

2.1. Nhiệt miệng, viêm loét miệng

Đây là bệnh có triệu chứng tương tự với một số dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, bệnh viêm loét miệng thường gây ra những vết loét sâu, diện tích lớn, có dịch tiết và tái đi tái lại nhiều lần.

Ngược lại, với bệnh tay chân miệng, các nốt mụn nước trong niêm mạc miệng, lưỡi, họng,... thường nhỏ (đường kính 2-3mm), ít dịch tiết và gây cảm giác đau miệng, tăng tiết nước bọt hoặc bỏ ăn, bỏ bú ở trẻ nhỏ.

2.2. Dị ứng trên da

Dị ứng là bệnh gây ra các triệu chứng khác nhau ở từng loại bệnh, điển hình là ban dạng hồng, xuất hiện theo từng vùng, có thể nổi hoặc chìm dưới da, thường gây cảm giác ngứa,...

Ảnh 2.

Nhận biết bệnh tay chân miệng và dị ứng da (Ảnh: Internet)

Đối với bệnh tay chân miệng, các nốt phát ban tồn tại dưới dạng phỏng nước, ít gây ngứa, có thể tập trung khu trú hoặc xuất hiện rải rác khắp cơ thể. Các nốt mụn nước này có thể xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, lưỡi, lợi,...

2.3. Thủy đậu

Thuỷ đậu có nhiều điểm tương đồng với các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng, gây khó khăn trong việc nhận diện. Cả hai loại bệnh này đều có thể gây sốt nhẹ kèm theo sự xuất hiện của các nốt phỏng nước nằm rải rác khắp cơ thể.

Để phân biệt hai loại bệnh này, nên đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu trên để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị hợp lí, chính xác nhất.

2.4. Các bệnh về nhiễm khuẩn huyết

Ảnh 3.

Các bệnh nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn,... dễ gây nhầm lẫn với tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Các bệnh do nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi,... thường gây ra triệu chứng tương đồng với bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, có thể phân biệt các loại bệnh này thông qua vị trí của các nốt phát ban, mụn nước. Bệnh tay chân miệng thường không xuất hiện các nốt phỏng nước ở bụng, cánh tay,...

2.5. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng và nhiều loại bệnh thông thường khác. Các loại bệnh này đều gây sốt, cảm giác đau đầu, mệt mỏi,... và làm xuất hiện các nốt phát ban trên da.

Tuy nhiên, các nốt phát ban do sốt xuất huyết gây ra thường chìm dưới da, kèm theo đó là các chấm xuất huyết, bầm tím xung quanh cơ thể và trong niêm mạc miệng. Ngoài ra, sốt xuất huyết thường gây ra các triệu chứng dữ dội hơn như sốt cao liên tục (trên 39 độ C), nôn ói, rối loạn tiêu hoá, đau hốc mắt,...

2.6. Sốt phát ban

Mặc dù cùng có dấu hiệu nhận biết là phát ban, nhưng đặc điểm này của hai loại bệnh lại không hoàn toàn giống nhau. Phát ban do sốt phát ban gây ra thường tồn tại ở dạng sần xen kẽ dạng thường khắp cơ thể, đồng thời bệnh cũng làm xuất hiện hạch sau tai,...

Ảnh 4.

Nhận biết bệnh tay chân miệng và sốt phát ban thông qua vị trí các nốt sần trên da (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, phát ban do tay chân miệng gây ra thường tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông,... và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sau đó biến mất và để lại vết thâm, không để lại sẹo trừ trường hợp bị nhiễm trùng.

Trên đây là một số loại bệnh có triệu chứng khá tương đồng với các dấu hiệu mắc tay chân miệng. Nhận biết bệnh tay chân miệng cũng như các loại bệnh khác một cách chính xác giúp việc điều trị bệnh được thực hiện có hiệu quả hơn.

Tác giả: Thảo Ngân