Nhầm tưởng là đau dạ dày thông thường bệnh nhân ung thư gan tá hoả khi bị chẩn đoán giai đoạn cuối

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Nhầm tưởng là đau dạ dày thông thường bệnh nhân ung thư gan tá hoả khi bị chẩn đoán giai đoạn cuối
Hiện nay, thói quen của nhiều người vẫn là tự đoán bệnh, tự mua thuốc uống. Việc làm coi thường sức khỏe và tính mạng của bản thân này đôi khi gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Như trường hợp của 1 bệnh nhân nghĩ chỉ đau dạ dày, chủ quan tự chữa tại nhà, khiến cho bệnh ung thư gan phát triển đến giai đoạn cuối.

1. Nhầm lẫn đau dạ dày và ung thư gan

Một năm trước, ông hà cảm thấy dưới ngực đau âm ỉ. Ông cho rằng bản thân chỉ bị đau dạ dày nên đã chủ quan, tự mua thuốc đau dạ dày về uống, điều trị tại nhà mà không có sự thăm khám nào. 

Sau một thời gian, đã uống nhiều thuốc, nhưng sức khỏe của ông không tiến triển mà ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, ông Hà còn sờ thấy một khối u nổi lên ở bụng trên. Khi ông đến bệnh viện kiểm tra thì được kết luận bị ung thư gan giai đoạn cuối, khối u đã rất to. Hiện tại bệnh của ông rất nặng, tiên lượng xấu, không thể can thiệp phẫu thuật, chỉ có thể uống thuốc giảm nhẹ.

Ông Hà cũng cho biết, khi nhỏ ông đã từng đi khám và phát hiện mình bị viêm gan B. Nhưng tự xét thấy bản thân khỏe mạnh, sức khỏe không có vấn đề gì, nên ông cũng không đến bệnh viện khám định kỳ. 

Khi xuất hiện những cơn đau dưới ngực, ông cũng không nghĩ mình mắc bệnh về gan, mà chỉ nghĩ đơn thuần là đau dạ dày. Chính vì sự chủ quan, coi nhẹ sức khỏe đó, khiến cho bệnh ung thư gan phát triển nhanh chóng. Giờ ông Hà không còn cơ hội chữa trị.

2. Ung thư gan khó phát hiện do triệu chứng ban đầu không rõ ràng

Theo thống kê, đa số các ca mắc ung thư gan đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Lí do là triệu chứng của bệnh thường rất mơ hồ. Dấu hiệu của ung thư gan thường là buồn nôn, đau tức dưới ngực, đau bụng, đầy hơi,... nên mọi người dễ nhầm tưởng sang cơn đau dạ dày. 

Có đến 37% bệnh nhân bị bệnh gan ban đầu đều lầm tưởng bản thân bị đau dạ dày. Nến nếu chủ quan tự mua thuốc uống mà chưa qua thăm khám thì rất dễ "tiền mất tật mang". Thuốc thì vẫn uống, mà bệnh ngày càng nặng hơn.

Chính vì triệu chứng bệnh không rõ ràng, nên khi có nghi ngờ, mọi người cần đến ngay bệnh viện để thăm khám, nhằm can thiệp  kịp thời. Đối với những người bị viêm gan B, xơ gan, những người nghiện rượu,... thì dù không có dấu hiệu nào, cũng nên đi khám định kỳ 3 tháng/lần. Với những người có sức khỏe bình thường, bác sĩ khuyên nên đi khám gan 1 lần/năm. 

Virus và bệnh đường mật là 2 nguyên do phổ biến nhất khiến cho gan bị tổn thương, dẫn đến các bệnh về gan. Theo thống kê lâm sàng, bệnh nhân ung thư gan có tiền sử bị viêm gan B hoặc mang virus viêm gan B chiếm đến 80%. 

Quá trình từ nhiễm virus -> virus sinh sôi -> mắc các bệnh gan mãn tính -> xơ gan -> ung thư gan thường diễn ra âm ỉ trong khoảng 10 năm. Chính vì vậy, việc thăm khám định kì và can thiệp đúng lúc có thể giúp chữa triệt để bệnh, bảo vệ lá gan của bạn. 

Các bệnh đường mật (như sán lá gan, sỏi ống mật,...) cũng có liên quan mật thiết đến ung thư gan, bởi vị trí túi mật và gan gần nhau. Khi chức năng túi mật suy giảm, sẽ tác động qua lại tới chức năng của gan, lâu dần gây xơ gan, cuối cùng có thể dẫn đến suy gan, ung thư gan.

Theo các chuyên gia, dù triệu chứng mơ hồ, nhưng chu kỳ phát bệnh của ung thư gan kéo dài, nên hoàn toàn có thể biết trước. Để giảm tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư gan, và tỉ lệ bệnh nhân tử vong cho ung thư gan, các chuyên gia khuyên nên tập trung vào phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm. Biện pháp hiệu quả nhất chính là thăm khám định kì.


Tác giả: Mai Nhung