Một bé trai 11 tuổi ở Thanh Oai - Hà Tây đã được một bệnh viện chẩn đoán mắc ung thư gan. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ 1 phần thùy gan của em để nhằm loại bỏ khối u. Sau 1 thời gian, khớp gối của em sưng phù, khi được gia đình đưa đến bệnh viện khác điều trị thì con sán đã xuyên thủng chân em.
Lúc này các bác sĩ mới kết luận bé trai bị sán lá gan lớn làm tổ. Bệnh nhân lập tức được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị. Tuy phát hiện muộn và bệnh rất nghiêm trọng, nhưng may mắn em đã được chữa khỏi. Điều đáng tiếc là em còn nhỏ nhưng đã bị phẫu thuật cắt oan 1 phần thùy gan.
Trường hợp sán lá gan chui ra từ khớp gối
Một bệnh nhân nam ở Thanh Hóa cũng được chẩn đoán có u ác tính trong gan và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ 1/4 gan, cắt túi mật và nạo vét hạch ở cuống gan.
Tuy nhiên sau khi giải phẫu thì bác sĩ nhận thấy có các ổ hoại tử tăng sinh xơ. Lúc này bác sĩ mới xác định được nam bệnh nhân bị kí sinh trùng gây áp xe gan. Lập tức bệnh nhân được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị.
Hình ảnh sán lá gan lớn
Bệnh nhân K 48 tuổi, ở Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Bệnh viện từ chối chữa trị và trả về vì khối u ung thư gan đã 12cm. Gia đình đã đi nhiều nơi, cắt nhiều loại thuốc nam nhưng sau 1 năm, sức khỏe của chị K không có tiến triển.
Sau đó chị K đi xét nghiệm lại, thì kết quả là khối u 12cm kia chính là tổ sán lá gan lớn. Được điều trị đúng bệnh, cộng thêm tâm lý thoải mái lạc quan, chỉ sau 1 thời gian ngắn, chị K đã khỏe mạnh hoàn toàn.
TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết người Việt Nam có sở thích ăn rau sống, gỏi, tiết canh, thực phẩm tái,... nên số lượng người nhiễm kí sinh trùng là rất lớn.
Các ấu trùng và trứng sán thường vào cơ thể người qua đường ăn uống. Sau khi vào dạ dày, các ấu trùng di chuyển vào gan, tiết chất độc làm tổn thương gan. Sau khoảng 3 tháng, sán đã trưởng thành, chúng có thể chui vào đường mật để làm tổ và đẻ trứng. Có một số ít trường hợp, sán lá gan di chuyển đến các bộ phận khác như đại tràng, da, cơ, vú, bao khớp,....
Bệnh nhân khi bị sán lá gan kí sinh thường có các triệu chứng sốt nhẹ, kém ăn, giảm cân, người mệt mỏi, đau tức vùng gan, vàng da. Đây cũng là những triệu chứng thường xuất hiện ở bệnh nhân ung thư gan. Do vậy, nếu chỉ qua khám lâm sàng thì rất dễ nhầm lẫn sán lá gan và ung thư gan.
Nếu chỉ siêu âm hay nhìn hình ảnh chụp CT thì rất khó phân biệt ổ sán lá gan với khối u ung thư gan. Phương pháp cần thiết để xác định chính xác bệnh là thử máu và làm xét nghiệm.
Khi nghi ngờ giữa sán lá gan và ung thư gan, các bác sĩ sẽ phải thực hiện siêu âm gan, xét nghiệm máu để đếm bạch cầu ái toan, xét nghiệm ELISA để phát hiện sán lá gan lớn, và cuối cùng là xét nghiệm tìm trứng sán trong phân.
Việc phân biệt giữa sán lá gan và ung thư gan hoàn toàn phụ thuộc vào các phương pháp y khoa. Vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đến bệnh viện, tránh việc tự chẩn đoán, tự mua thuốc chống kí sinh trùng về uống.
Khi phát hiện có sán lá gan kí sinh, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, để tránh sán lây lan và gây những biến chứng nguy hiểm. Chữa sán không khó, vì hiện nay đã có thuốc đặc hiệu. Nhưng cần điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để có liệu trình và thời gian phù hợp, tránh tự mua thuốc uống.
Người dân cũng nên tập thói quen ăn chín uống sôi, hạn chế ăn đồ tái sống. Nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Vệ sinh khu chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, tiêm chủng cho gia súc gia cầm để tiêu diệt mầm mống sán lá gan.