Nguyên tắc và một số lưu ý khi điều trị đau vai gáy bằng vật lý trị liệu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nguyên tắc và một số lưu ý khi điều trị đau vai gáy bằng vật lý trị liệu
Điều trị đau vai gáy bằng vật lý trị liệu là phương pháp được giới chuyên môn y khoa đánh giáo cao nhờ những ưu điểm và hiệu quả mà nó đem lại cho người bệnh. Trong quá trình điều trị bằng vật lý trị liệu, người bệnh cần lưu ý một số nguyên tắc sau.

Đau vai gáy là tình trạng rối loạn hệ thần kinh cổ gáy gây ra hiện tượng co cứng cục bộ. Người bị đau vai gáy thường khó khăn trong việc cử động, khó quay đầu và thường bị tê cứng, đau nhức vùng bị tổn thương.

Đau vai gáy là bệnh cơ xương khớp thường gặp liên quan đến mạch máu cổ gáy. Dân văn phòng ngồi nhiều, ngồi sai tư thế, ít vận động là nhóm đối tượng dễ bị đau vai gáy nhất.

1. Nguyên tắc điều trị đau vai gáy bằng vật lý trị liệu

Hiện nay, bên cạnh các phương pháp điều trị đau vai gáy bằng thuốc hoặc phẫu thuật thì vật lý trị liệu cũng được áp dụng rộng rãi. Các phương pháp vật lý trị liệu, hay xoa bóp, bấm huyệt chính là phương pháp chữa đúng đắn nhất. Loại bỏ trực tiếp được nguồn gốc gây bệnh, đưa cột sống cổ gáy về trạng thái ban đầu.

Đau vai gáy thực chất là do yếu tố cơ học tác động, vì vậy, chúng ta sử dụng Vật lý trị liệu tại các trung tâm phục hồi chức năng để phục hồi hoạt động của cổ gáy là phù hợp nhất. Điều trị đau vai gáy không khó, quan trọng là nắm được 3 nguyên tắc sau:

-  Thứ nhất, tăng cường máu lên vùng cổ gáy.

- Thứ hai là làm mềm bó cơ vùng cổ gáy để tăng trao đổi chất và vận động linh hoạt cho vùng vai gáy

- Thứ ba là phải tác động được vào dây thần kinh cổ gáy để tránh tình trạng co cứng cục bộ do rối loạn hệ thần kinh cổ gáy.

2. Công dụng của từng phương pháp vật lý trị liệu

Một số phương pháp trị liệu bằng vật lý có thể giải quyết được 3 vấn đề trên bao gồm: Nhiệt trị liệu bằng đèn hồng ngoại, điện xung, sóng ngắn bằng các máy móc hiện đại, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống cổ, và những bài tập vật lý cột sống cổ kèm theo xoa bóp, châm cứu bằng điện sẽ giúp cột sống cổ, vùng vai gáy nhanh chóng phục hồi.

Cụ thể, công dụng của một số phương pháp vật lý trị liệu đau vai gáy như sau:

- Điện phân trị liệu: Chống lại các cơn co thắt cơ vùng cổ gáy, giải phóng sự kích thích các dây thần kinh tại đây để làm cho bạn bớt đau.

- Phương pháp châm cứu: Điều hòa lại hoạt động kinh mạch tại vai gáy để giảm đau, làm mềm cơ. Phương pháp châm cứu còn giúp phục hồi xương khớp một cách tự nhiên và giảm đau tức thời.

- Siêu âm trị liệu làm tăng tuần hoàn máu lên vai gáy, có tác dụng giãn cơ, kháng viêm giảm đau hiệu quả nhất.

Tùy theo mức độ bệnh mà có các liệu trình cũng như phương pháp vật lí trị liệu cho từng người bệnh đau vai gáy.

Nhờ các thiết bị máy móc hiện đại, máu được lưu thông tốt, phục hồi chức năng của hệ thần kinh và giúp cho vận động cổ gáy dễ dàng hơn, người bệnh cũng giảm dần triệu chứng đau vai gáy rõ rệt.

3. Một số lưu ý khi điều trị đau vai gáy bằng vật lý trị liệu

- Khi điều trị đau vai gáy bằng vật lý trị liệu, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ và lời khuyên của các chuyên gia, tuân thủ liệu trình tại các trung tâm phục hồi chức năng. Cùng với việc kết hợp chế độ luyện tập, nghỉ ngơi, cơn đau vai gáy sẽ được cải thiện theo thời gian.

- Người bệnh không nên phụ thuộc vào vật lý trị liệu hoàn toàn, cần kết hợp với phục hồi chức năng, vận động cổ gáy thường xuyên một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra không nên ngồi lâu một tư thế, tránh ngồi trước quạt, điều hòa làm gia tăng cơn đau.

- Việc phục hồi chức năng của cổ, vai, gáy bằng vật lý trị liệu là phương pháp an toàn nhất. Người bệnh không cần dùng thuốc cũng không cần phẫu thuật. Vì thế, chi phí sẽ thấp nhất trong các phương pháp điều trị đau vai gáy hiện nay.

- Tin tưởng vào việc điều trị bằng vật lý trị liệu với sự hướng dẫn của chuyên gia: Đau vai gáy không phải là do chấn thương, viêm nhiễm mà chỉ là tình trạng đau nhức thông thường do khí huyết lưu thông kém, làm việc sai tư thế... do vậy việc điều trị bằng vật lý trị liệu là an toàn và đem lại hiệu quả tốt.

- Nếu đau vai gáy do thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm, cần kết hợp một số phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nếu bệnh trong trường hợp nặng.


Tác giả: Lê Cường