Nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết cần được chăm sóc và theo dõi sức khỏe thật cẩn thận bởi trẻ có nguy cơ cao bị biến chứng nguy hiểm. Tìm hiểu ngay cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà sau đây!

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết hơn cả do sức khỏe, sức đề kháng yếu ớt. Phần lớn trẻ bị sốt xuất huyết độ nhẹ và trung bình đều có thể điều trị khỏi tại nhà nhưng cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện biến chứng và đưa trẻ tới bệnh viện ngay. 

Đối với bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, cách chăm sóc tại nhà cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

1. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà: Hạ sốt đúng cách

Sốt cao 38,5 - 40 độ C là biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Lúc này, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay để kịp thời kiểm soát được tình trạng sốt cao có thể dẫn đến co giật. Loại thuốc hạ sốt duy nhất được sử dụng đối với sốt xuất huyết ở trẻ em là thuốc hạ sốt paracetamol đơn chất. 

Khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, cha mẹ cần cho trẻ uống chính xác liều lượng thuốc, cụ thể là 10 - 15mg/kg cân nặng. Nếu trẻ vẫn sốt liên tục thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt lần tiếp theo, cách lần đầu khoảng 4 - 6h. Tuyệt đối không được dùng thuốc hạ sốt loại khác và dùng quá liều lượng sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất đảm bảo thực hiện đúng cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ sốt, cha mẹ cũng cần làm các biện pháp hạ nhiệt cho trẻ như: chườm khăn ấm liên tục lên trán, lau mát ở các khu vực cổ, nách, đùi bẹn để giúp thoát nhiệt nhanh hơn. Nên nới lỏng quần áo, mặc quần áo rộng rãi, mát mẻ cho trẻ. Đặc biệt trong thời gian trẻ bị sốt cao, cần theo dõi nhiệt độ cơ thể liên tục và quan sát kĩ đề phòng biến chứng co giật.

2. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà: Bù nước kịp thời

Khi bị sốt cao do sốt xuất huyết, cơ thể trẻ sẽ bị mất nước khá nhanh nên cần được bù nước kịp thời. Việc bù nước tốt nhất là bằng đường uống, nếu trẻ không thể uống nước, dung dịch bù nước được thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay. 

Nhiều gia đình lầm tưởng rằng khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, truyền nước là biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, truyền nước, truyền dịch khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ sẽ càng làm tăng nguy hiểm cho tính mạng của bé.

Cách tốt nhất để bù nước kịp thời cho trẻ bị sốt xuất huyết là cho trẻ uống các loại nước khác nhau như: nước lọc, sữa, nước ép hoa quả (với trẻ từ 1 tuổi trở lên), dùng dung dịch điện giải oresol đúng liều lượng, nước cơm, nước cháo…

Với những trẻ đã ăn được cơm, cháo, trong thời gian bị sốt xuất huyết, nên cho trẻ ăn cháo loãng, súp để cơ thể dễ hấp thu chất dinh dưỡng hơn. Không nên cho trẻ ăn đồ cứng, đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt khó tiêu hóa.

3. Lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, cha mẹ cần túc trực thường xuyên bên cạnh trẻ, không để cho trẻ nằm 1 mình quá lâu. Khoảng thời gian đầu bị bệnh (3 ngày đầu), trẻ thường bị sốt cao, dễ bị co giật. Khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6, 7 bị bệnh là nguy hiểm nhất, nếu vẫn tiếp tục chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà thì cần chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo biến chứng, sốc sau đây:

- Nôn ói nhiều, đau bụng dữ dội

- Trẻ hạ sốt nhưng chân tay lạnh ngắt, có biểu hiện ngủ li bì, đổ mồ hôi nhiều

- Triệu chứng xuất huyết ồ ạt, không chỉ xuất hiện ở tay, chân mà còn bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, đi ngoài phân đen

Khi có các biểu hiện cảnh báo kể trên, cần dừng việc chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.


Tác giả: hoangtrang