Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, việc chuyển hóa đường thành năng lượng trở nên kém đi gây tăng cân.
Đối với một người bình thường khỏe mạnh thì việc kiểm soát cân nặng vốn đã rất khó khăn, nhưng nếu bạn mắc bệnh về tuyến giáp thì việc giảm cân còn khó khăn hơn gấp bội.
Vậy chế độ giảm cân cho người bị tuyến giáp có những nguyên tắc như thế nào? Trước hết, bạn cần phải đến gặp bác sĩ để chẩn đoán đúng bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ kết luận và đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp.
Đây là việc hết sức quan trọng bởi việc nhận biết được bệnh và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện và điều trị phù hợp để nhanh khỏi bệnh.
Chứng suy giáp có thể khiến người bệnh tăng cân nhiều, khoảng 2-5 kg. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh nên xây dựng chế độ ăn chứa 1200 calo mỗi ngày. Người bệnh nên cắt giảm tinh bột, lựa chọn chất béo lành mạnh thay vì chất béo bão hòa trong các bữa ăn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, nên ăn nhiều cá, hạt dẻ, quả bơ và dầu ôliu hoặc dầu cải, hạn chế bơ giàu chất béo, các loại kem, tránh các loại thức ăn không tốt cho sức khỏe.
Người bị tuyến giáp nên tránh ăn các loại đường. Người mắc suy giáp cũng thường có hệ tiêu hóa kém nên thay vì ăn 3 bữa/ngày, họ cần chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để cân bằng lượng đường trong máu. Thưởng thức khẩu phần ăn lành mạnh, cân bằng và đều đặn sẽ giúp bạn giảm trọng lượng dư thừa không chỉ do bệnh tuyến giáp gây ra mà còn do khẩu phần ăn và thiếu tập thể dục thường xuyên làm ảnh hưởng.
Cắt bỏ lượng natri ra khỏi suất ăn càng nhiều càng tốt. Quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể tích nhiều nước, đồng thời làm bạn nặng ký hơn. Bạn hãy nói không với tinh bột và các loại thức ăn như bánh mì, kẹo giòn, mì, cơm, ngũ cốc và thực ăn khô. Việc loại bỏ những thực phẩm trên ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp bạn giảm cân.
Song song với đó, bạn nên uống nhiều nước, cách tốt nhất để giảm cân là luôn giữ cơ thể trong trạng thái đủ nước. Uống nhiều nước trong ngày sẽ giúp cơ thể không bị mất nước, đồng thời giúp cơ thể không bị trữ nước thừa và tăng cân do nước.
Bên cạnh việc áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, người bị suy giáp nên tập thể dục khoảng 90 phút mỗi ngày, nhưng hãy nhớ phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Áp dụng bài tập tăng nhịp tim sẽ giúp bạn giảm cân đồng thời duy trì tình trạng sức khỏe tổng quát. Bạn nên thảo luận với bác sĩ về chế độ tập sức bền trước khi bạn thực sự bắt đầu.
Ngoài bài tập tăng nhịp tim thì việc rèn luyện cơ bắp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giảm cân với người mắc bệnh tuyến giáp. Chúng không chỉ giúp bạn có cơ bắp săn chắc mà còn tăng cường sức khỏe cơ thể.
Một điều luôn cần ghi nhớ là bạn phải uống thuốc một cách đều đặn. Nếu bạn đang dùng thực phẩm bổ sung hoặc loại thuốc khác, hãy dùng thuốc điều trị nhược giáp trước để tránh tình trạng tương tác giữa các loại thuốc.
Tốt nhất là người bệnh nên uống thuốc điều trị suy giáp khi dạ dày rỗng và uống trước 1 tiếng trước khi dùng thuốc khác.
Từ những lưu ý về việc giảm cân cho người bị tuyến giáp kể trên, bạn nên áp dụng hoặc hãy lưu lại để chia sẻ cho người thân, bạn bè của mình để mọi người có được sức khỏe dồi dào, thân hình thon gọn ngay cả khi không may mắc bệnh tuyến giáp.
Theo Tạp chí Sống Khỏe