Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho bệnh nhân đặt ống thông

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho bệnh nhân đặt ống thông
Đặt ống thông là giải pháp tất yếu dành cho những bệnh nhân không có khả năng ăn uống qua đường miệng. Vì cách ăn đặc biệt, nên việc lựa chọn, chế biến thực phẩm cho bệnh nhân đặt ống thông cũng có những nguyên tắc riêng.

1. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm dành cho bệnh nhân đặt ống thông

- Thức ăn cần đảm bảo đủ năng lượng và dinh dưỡng, thuộc đủ nhóm nhất như đạm, béo, tinh bột và chất xơ.

- Tùy vào điều kiện kinh tế và quỹ thời gian chăm sóc bệnh nhân mà có thể lựa chọn thực phẩm chế biến công nghiệp như sữa bột, bột dinh dưỡng năng lượng cao hoặc cũng có thể là thức ăn người thân tự chế biến.

- Cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bởi sức đề kháng của bệnh nhân đặt ống thông đa phần là rất yếu.

- Tùy vào loại bệnh mà đôi khi bệnh nhân đặt ống thông có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt. Hãy hỏi rõ bác sĩ điều trị để lựa chọn thực phẩm đúng và chuẩn xác nhất. Đối với các bệnh lý đặc biệt như tiểu đường, suy thận,... cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thực đơn dinh dưỡng.

- Đặc biệt chú ý đến trường hợp bệnh nhân không dung nạp sữa, dị ứng thực phẩm để lựa chọn thực phẩm thay thế thích hợp.

2. Nguyên tắc chế biến thực phẩm

- Chế biến và bảo quản thực phẩm thật cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Nấu chín kỹ mọi đồ ăn.

- Thức ăn cho bệnh nhân đặt ống thông phải ở dạng lỏng, được xoay nhuyễn., ưu tiên các món như cháo xay, súp, thức ăn hầm nhuyễn, cháo, bột dinh dưỡng.

- Mỗi ngày cần cung cấp đủ cho bệnh nhân khoảng 2000kcal, tương ứng với khoảng 2000ml thức ăn. Do vậy, ưu tiên các thực phẩm giàu năng lượng, giàu dinh dưỡng, tránh các thực phẩm ít năng lượng có thể làm tăng thể tích thức ăn, gây khó khăn trong việc cho bệnh nhân ăn. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, đậm độ dinh dưỡng trong thực phẩm dành cho bệnh nhân đặt ống thông đạt 1kcal/1ml là tối ưu nhất.

- Tốt nhất là ăn bữa nào chế biến bữa đó. Tránh việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, bảo quản thực phẩm quá lâu, hoặc nấu đi nấu lại sẽ làm mất dinh dưỡng của món ăn.

3. Gợi ý một số món ăn mẫu

- Bột dinh dưỡng

Người nhà bệnh nhân có thể tự làm bột dinh dưỡng phục vụ việc nuôi ăn qua ống bằng các kết hợp 40g bột gạo, 40g bột đậu nành, 10g bột mộng ngô, 10g bột mộng đỗ. Mỗi lần ăn, trộn đều hỗn hợp bột với 100g đường, 20g sữa bột tách bơ và 10g dầu ăn, nấu cùng 1 lít nước.

Theo ước tính, 1 lít bột dinh dưỡng trên có thể cung cấp cho bệnh nhân đặt ống thông khoảng 876kcal với đủ các nhóm chất protein, lipid và glucid.

- Súp rau thịt

Chuẩn bị nguyên liệu gồm có:

- 300g khoai tây.

-  100g cà rốt

- 50g su hào

- 50g thịt lợn nạc

- 30g gạo

- 10g bột mộng đậu

- 10g bột mộng ngô

- 10g dầu ăn

- 4g muối

Tất cả nguyên liệu đem hầm nhừ cùng 1 lít nước, sau đó xay thật nhuyễn. Theo ước tính, 1 lít súp rau thịt nói trên cung cấp cho bệnh nhân đặt ống thông khoảng 603 kcal với đủ nhóm chất.

- Nước trái cây

Pha 50ml nước cốt cam hoặc chanh với 250g đường trong 1 lít nước đun sôi để nguội. Theo ước tính, 1 lít nước trái cây có thể cung cấp 1017kcal. Tuy nhiên, chỉ nên cung cấp nước trái cây vào bữa phụ cho bệnh nhân đặt ống thông. Bởi tuy cung cấp nhiều năng lượng, nhưng nước trái cây không có protein và lipid.

Vì có những đặc thù riêng về sức khỏe và khả năng ăn uống, nên bệnh nhân đặt ống thông sẽ có những  nguyên tắc dinh dưỡng riêng. Người chăm sóc nên tìm hiểu rõ các nguyên tắc này để chăm sóc người bệnh đúng cách và hiệu quả hơn. Nếu gặp khó khăn trong việc xây dựng thực đơn cho bệnh nhân đặt ống thông, bạn có thể xin ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc của các chuyên gia dinh dưỡng.


Tác giả: Mai Nhung