Mặc dù vitamin K có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên, nhưng bạn có thể tìm thấy nó trong nhiều trong các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung. Chính vì vậy, mọi người cần phải tìm hiểu các nguyên tắc bổ sung vitamin K đúng cách để tối đa hiệu quả mà nó mang lại.
Vitamin K là một thành phần quan trọng của hệ enzym gan tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), các yếu tố VII, IX, X, là một nhóm các vitamin hòa tan trong chất béo, giống nhau về cấu trúc và có vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh sự đông đặc của máu, cần thiết cho sự hỗ trợ đông máu.
Vitamin K còn hỗ trợ sự trao đổi chất của xương và trao đổi chất của canxi trong hệ thống mạch máu. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin K, máu sẽ không thể đông được, đưa đến xuất huyết và điều này có thể dẫn đến tử vong.
Vitamin K được chia thành 3 loại chính: Vitamin K1 (phylloquinone) và vitamin K2 (menaquinone) và Vitamin K3. Vitamin K1 là nguồn vitamin K phổ biến nhất hiện nay có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc từ thực vật như rau. Vitamin K2 được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật và thực phẩm lên men, như thịt, sữa và natto. Vitamin K2 cũng được sản xuất bởi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn.
Có thể bổ sung vitamin K sẵn ở dạng viên riêng lẻ hoặc vitamin tổng hợp cùng với các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như calci, magne hoặc vitamin D.
Các sản phẩm bổ sung vitamin K thường sử dụng các dạng tổng hợp của vitamin K1 hoặc vitamin K2. Các nghiên cứu cho thấy rằng cơ thể có thể hấp thụ chúng rất tốt, đặc biệt là MK7 - một loại vitamin K2 có thời gian bán hủy dài hơn. MK7 có thời gian bán hủy là 72 giờ, tức là khi uống vào nó sẽ tồn tại trong máu 72 giờ để phát huy tác dụng và chỉ cần uống mỗi ngày 1 lần là đủ.
Nếu bạn quyết định bổ sung vitamin K, bạn cần tham vấn bác sỹ, chuyên gia y tế, dược sỹ để biết được liều lượng phù hợp theo tuổi và giới tính. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, dưới đây là khuyến cáo liều vitamin K cho trẻ sơ sinh, liều vitamin K cho trẻ nhỏ, cho thanh thiếu niên và người lớn:
Trẻ sơ sinh:
- Từ 0 – 6 tháng: 2 microgam (mcg)/ngày,
- Trẻ từ 7 – 12 tháng cần 2,5mcg/ngày.
Trẻ em:
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi cơ thể cần 30mcg vitamin K một ngày.
- Từ 4 – 8 tuổi cân 55mcg/ngày.
- Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 60mcg/ngày.
Thanh thiếu niên và người lớn:
- Thanh thiếu niên từ 14 – 18 tuổi cần bổ sung 75mcg/ngày.
- Nam giới > 19 tuổi cần 120mcg/ ngày và nữ giới >19 tuổi cần 90mcg/ngày.
Thông thường, tác dụng phụ của vitamin K thông qua đường uống với liều khuyến cáo là rất hiếm. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có thể can thiệp đến các tác động của vitamin K. Chúng bao gồm thuốc kháng acid, chống đông máu, thuốc kháng sinh, aspirin và các thuốc chống ung thư, động kinh, cholesterol cao.
Do đó, không nên tự ý bổ sung vitamin K trừ khi được bác sĩ cho phép. Ngoài ra, những người sử dụng thuốc Coumadin để điều trị các vấn đề về tim, rối loạn đông máu hoặc các điều kiện y tế khác có thể cần phải xem lại chế độ ăn để kiểm soát lượng vitamin K đi vào cơ thể hợp lý.
Mặc dù bổ sung vitamin K khá an toàn cho hầu hết mọi người, tuy nhiên những đối tượng sau nên thận trọng khi bổ sung vitamin K:
- Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ không nên bổ sung vitamin K.
- Nếu bạn có tiền sử bị đột qụy, ngừng tim hoặc các vấn đề về đông máu, hãy nói chuyện với bác sỹ trước khi bổ sung vitamin K.
- Nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu như Coumadin, bạn không nên bổ sung vitamin K và cần cân bằng lượng vitamin K. Điều này là bởi vì vitamin K và thuốc chống đông máu có thể tương tác tiêu cực, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Tác dụng phụ của vitamin K tuy không phổ biến nhưng nó có thể giảm bớt sự ngon miệng, da xanh xao, cứng cơ hoặc khó thở. Ngừng sử dụng và nói chuyện với bác sỹ ngay nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng phụ nào.