Nguyên tắc bổ sung mangan cho bà bầu và những điều cần lưu ý

Nguyên tắc bổ sung mangan cho bà bầu và những điều cần lưu ý
Mangan đóng vai trò quan trọng đối với phụ nữ mang thai, chính vì vậy bổ sung mangan sẽ giúp mẹ và thai nhi đều phát triển khỏe mạnh. Vậy làm cách nào để bổ sung mangan cho bà bầu đúng cách?

1. Vai trò của mangan với phụ nữ mang thai

Đối với cơ thể nói chung mangan rất quan trọng trong việc giúp xương chắc khỏe, là chất dinh dưỡng giúp cơ thể tránh những đau nhức, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim cũng như giúp giảm lượng đường trong máu,...

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi, chính vì vậy, vai trò của vitamin và khoáng chất cũng trở nên quan trọng hơn. Bổ sung mangan cho bà bầu đầy đủ sẽ giúp hình thành xương và sụn ở thai nhi, khi bé sinh ra sẽ cứng cáp hơn

Mangan cũng giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại và kích hoạt các enzyme đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, axit amin và cholesterol, đảm bảo cho cơ thể của cả mẹ và bé luôn khỏe mạnh.

2. Bổ sung mangan cho bà bầu bao nhiêu là đủ?

Vậy bổ sung mangan cho bà bầu bao nhiêu là đủ? Theo như các nhà khoa học cho biết hàm lượng bổ sung mangan cho bà bầu được khuyến cáo là 2mg mỗi ngày.

Ngoài ra phụ nữ cho con bú được khuyên dùng với liều lượng 2,6 mg mỗi ngày. Phụ nữ không mang thai từ 18 tuổi trở xuống: 1,6 mg mỗi ngày. Phụ nữ không mang thai từ 19 tuổi trở lên: 1,8 mg mỗi ngày

Thực ra, bạn không cần phải nhận đủ nó mỗi ngày, thay vào đó thì nên ước lượng hàm lượng trung bình trong một vài ngày hoặc 1 tuần.

3. Bổ sung mangan qua thực phẩm

Trong chế độ ăn uống bình thường đều có thể đáp ứng đủ lượng mangan cần thiết cho các mẹ bầu rồi, vì hàm lượng mangan trong cơ thể cũng không phải quá nhiều. Tuy nhiên trong một số trường hợp có thể bổ sung mangan cho bà bầu bằng các loại thực phẩm sau:

- Ngũ cốc nho khô: 1 cốc có thể giúp bổ sung 0,78 đến 3,02 mg mangan

- 1/2 cốc gạo lứt chứa 1,28mg mangan

- 1 gói bột yến mạch ăn liền chứa 0,99mg mangan

- 1/2 bát rau bina nấu chín bổ sung 0,84mg mangan

- 1 cốc đậu phộng chứ 0,55mg mangan

- 1/2 bát khoai lang nghiền chứa 0,44mg mangan

- Trong 28gram hạnh nhân chứa 0,65mg mangan.

4. Phụ nữ mang thai có nên bổ sung mangan?

Thông thường, phụ nữ mang thai hầu như không cần phải bổ sung mangan cho cơ thể, bởi vì hầu hết lượng mangan đều được hấp thụ trong chế độ ăn uống hằng ngày rồi. Ngoài ra nước uống cũng giúp bổ sung lượng mangan cần thiết, khoảng dưới 10mcg mỗi lít.

Bổ sung mangan quá nhiều có thể gây ra nhiều những nguy hiểm chúng ta không lường trước được, chính vì vậy nên bổ sung theo đúng liều lượng đã được khuyến cáo. Lượng mangan tối đa được coi là an toàn được tính toán bởi Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng của Viện Y học, là 11 mg mỗi ngày cho người lớn từ 19 tuổi trở lên. (Đối với những người từ 18 tuổi trở xuống, nó là 9 mg.)

Sự thiếu hụt mangan cũng hiếm khi được tìm thấy vì khoáng chất này có rất nhiều trong những loại thực phẩm khác nhau. Vậy nên mẹ bầu không cần phải lo lắng quá nhiều vào việc bổ sung mangan cho cơ thể của mình.

5. Kết luận

Mỗi một đối tượng, mỗi một độ tuổi, nhu cầu về hàm lượng khoáng chất lại khác nhau. Ở phụ nữ mang thai cũng vậy, ngoài những thay đổi trong thời kỳ, chế độ ăn uống cũng khác đi nhiều, các mẹ hầu như đều muốn bổ sung nhiều loại dinh dưỡng khác nhau để sau này sinh con ra con sẽ luôn khỏe mạnh nhất có thể.

Tuy nhiên, các mẹ cũng phải tìm hiểu về hàm lượng được khuyến cáo để tránh thiếu hụt hay dư thừa, vì nếu một trong hai trường hợp này xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi và cả mẹ nữa. Đối với mangan, việc bổ sung nó hầu như là không cần thiết, vì trong cơ thể nó chỉ chiếm một lượng nhỏ và chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp bổ sung mangan đầy đủ rồi.

Điều quan trọng là bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng để đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết, giúp cơ thể của cả mẹ và thai nhi được phát triển bình thường.

Nguồn: https://www.babycenter.com/0_manganese-in-your-pregnancy-diet_750.bc

Tác giả: Lan Anh