Ăn uống như thế nào để phòng tránh bệnh gout?

Tham vấn chuyên môn:
Ăn uống như thế nào để phòng tránh bệnh gout?
Gout là một bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được ngăn ngừa bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Vậy, mọi người cần chú ý nguyên tắc ăn uống như thế nào để phòng tránh bệnh gout.

Nguy cơ mắc bệnh gout có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Bệnh gout là một căn bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp và gây đau đớn cũng như phiền phức đối với người bị bệnh. Dưới đây là một số cách phòng tránh bệnh gout mà mọi người có thể lưu ý.


1. Ăn uống điều độ để phòng tránh bệnh gout

Tần suất ăn uống, tiệc tùng thịnh soạn tăng cao là một trong những nguyên nhân khởi phát những cơn gout cấp hoặc trở nên nặng hơn dẫn đến biến chứng. Bệnh gout có thể gây tổn thương khớp, gây suy thận, suy gan, tim mạch,đột quỵ. 

Việc sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đạm làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout nhiều hơn như: các loại thịt đỏ như bò, trâu, ngựa, dê; hải sản, nội tạng động vật. Một số loại thực vật có thể làm tăng acid uric máu như atisô, giá đỗ, bông cải xanh, bắp cải, tỏi tây, nấm, đậu Hà Lan.

Thực phẩm chứa đường fructose cũng làm tăng acid uric như bánh kẹo, mứt trái cây, trái cây sấy khô, trái cây đóng hộp. 

Chính vì vậy, cần một chế độ ăn phù hợp, lành mạnh để có thể phòng tránh bệnh bout. Các nguyên tắc ăn uống cần như sau:

-  Ngoài ăn rau xanh thì bạn cũng phải uống nhiều nước để pha loãng nồng độ acid uric trong máu, tăng đào thải qua thận và làm giảm khả năng lắng đọng các tinh thể urat trong cơ thể. Nên uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày.

- Uống nước khoáng có bổ sung bicarconat sẽ giúp trung hòa và tăng đào thải acid uric khỏi cơ thể.

- Không ăn thức ăn có chứa nhiều purin để phòng tránh bệnh gout. Purin vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành acid uric. Không ăn thức ăn có chứa nhiều purin giúp giảm lượng acid uric tích lũy thành tinh thể urat ở khớp và các cơ quan khác.

- Các thực phẩm cần hạn chế là phủ tạng động vật, có thể kể đến như gan, lòng, cật, tim, tiết. Thịt đỏ, thịt muối, phô mai, tôm, cua cũng là những nguồn thực phẩm giàu purin. Ngoài ra cần tránh nấm và một số thực vật có hàm lượng purin tương đối cao như đậu hạt các loại để nâng cao hiệu quả phòng tránh bệnh gout.

- Tuyệt đối không nên nhịn đói. Nhịn đói, nhất là nhịn đói lâu ngày có thể làm nồng độ acid urid trong máu tăng cao. Do vậy nên ăn đủ bữa trong ngày theo đúng giờ giấc nhất định, tránh bỏ bữa.

- Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết. Vừa giúp tăng cường miễn dịch và phòng tránh bệnh gout.

2. Tránh dùng nhiều bia rượu, chất có cồn là nguyên tắc phòng tránh bệnh gout

Rượu, bia và các chất có cồn, chất kích thích làm giảm cơ chế đào thải acid uric khỏi cơ thể. Bia có nguy cơ làm tăng acid uric nhiều hơn vì được làm từ houblon nên chứa nhiều tiền chất acid uric. 

Nồng độ acid uric trong máu sẽ lên đến đỉnh điểm vào khoảng 3 giờ sau khi uống bia rượu, sau đó sẽ giảm dần do cơ chế tự đào thải của cơ thể. Do đó các bữa tiệc rượu kéo dài liên tục nhiều giờ và nhiều ngày liền có thể làm cho nồng độ acid uric cơ thể luôn duy trì ở mức cao và gây ra cơn gout cấp.

Chính vì lẽ đó, việc tránh dùng nhiều bia rượu, chất có cồn là một nguyên tắc quan trọng trong phòng tránh bệnh gout mà mọi người cần tuân thủ.

3. Cần giữ ấm cơ thể bên cạnh các nguyên tắc ăn uống để phòng tránh bệnh gout

Ngoài các nguyên nhân gây ra từ bia rượu thì nhiệt độ lạnh đột ngột cũng có thể gây bùng phát gout và các bệnh liên quan đến xương khớp, nhất là khi trời trở lạnh. Người bị bệnh gout nên giữ ấm cơ thể và  hạn chế tiếp xúc với nước lạnh buốt để kiểm soát gout.

Gout là bệnh lý thường gặp trong xã hội và có khuynh hướng ngày càng tăng. Thay đổi những thói quen sinh hoạt lành mạnh là giúp phòng tránh bệnh gout và làm giảm nguy cơ biến chứng của gout. 


Tác giả: LPA