Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi đều có thể mắc bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa mưa, từ tháng 5 - 7.
Virus gây viêm não Nhật Bản thường trú trong các loài động vật trong tự nhiên như chim và một số loài bò sát. Các loài chim di trú mang virus gây bệnh là nguyên nhân viêm não Nhật Bản được lan truyền từ vùng này sang vùng khác. Ngoài ra, các loại gia súc sống gần người như lợn, bò, dê,... cũng là ổ chứa virus gây viêm não Nhật Bản, đặc biệt là ở lợn.
Nguyên nhân viêm não Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Lợn được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm não Nhật Bản vì tỉ lệ lợn nuôi nhiễm virus gây bệnh rất cao (khoảng 80% trong vùng dịch). Đây cũng là loài gia súc được nuôi nhiều ở các vùng nông thôn. Ngoài ra, tốc độ phát triển của virus gây viêm não Nhật Bản trong cơ thể lợn cũng diễn ra rất nhanh (từ 2 - 4 ngày) làm tăng khả năng lây lan của bệnh.
Muỗi Culex là nguyên nhân viêm não Nhật Bản lây lan (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân viêm não Nhật Bản bùng phát thành dịch là do sự lan truyền của 2 loại muỗi Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Các loại muỗi này sau khi đốt (cắn) động vật mang virus viêm não Nhật Bản sẽ truyền bệnh sang người. Đây là loài muỗi sinh sản và phát triển mạnh vào mùa mưa, là nguyên nhân viêm não Nhật Bản thường bùng phát vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Muỗi Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui thường sinh sản và trú ngụ ở ruộng lúa, ruộng mạ và bay đi hút máu vào chập tối.
Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp viêm não Nhật Bản nào lây lan trực tiếp từ người sang người. Việc sử dụng chung thìa dĩa, bát đũa,... không làm tăng nguy cơ lây bệnh.
Theo các chuyên gia, hiện nay chưa tìm ra thuốc đặc hiệu để trị bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng gây tử vong và để lại di chứng rất cao. Do đó, việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản là rất quan trọng.
Tiêm vacxin là biện pháp phòng viêm não Nhật Bản hiệu quả (Ảnh: Internet)
Trong đó, tiêm vacxin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để tránh mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Trẻ dưới 15 tuổi cần được tiêm vacxin và tiêm nhắc lại đầy đủ theo lộ trinhf để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, có thể thực hiện các biện pháp bên ngoài để phòng bệnh như: giữ gìn vệ sinh nhà ở, chuồng trại; thực hiện phun thuốc khử trùng và thuốc diệt muỗi thường xuyên, đặc biệt là trong mùa mưa; ngủ màn, thực hiện các biện pháp xua đuổi, diệt muỗi;...
Thực hiện phun thuốc diệt muỗi để phòng viêm não Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Khi có các biểu hiện sốt cao và các dấu hiệu như: li bì, mơ màng, nôn mửa,... cần tới ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và phát hiện bệnh kịp thời.