Nguyên nhân và dấu hiệu viêm v.a ở trẻ em

Nguyên nhân và dấu hiệu viêm v.a ở trẻ em
Viêm v.a là một bệnh lý đường tai mũi họng thường gặp ở trẻ em. Tuy không nguy hiểm nhưng viêm v.a lại có thể gây ra các biến chứng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị.

1. Viêm v.a là gì ?

Viêm v.a còn được gọi là bệnh sùi vòm mũi họng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Khối V.A xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh ra có bản chất tổ chức lympho, khi chưa bị viêm thì chúng có kích thước nhỏ, chỉ dày từ 2-3mm, xếp theo hình lá nên dễ tiếp xúc với bên ngoài. 

Thông thường với kích thước này, V.A không gây cản trở đến hoạt động hô hấp và nó phát triển mạnh vào giai đoạn trẻ 2-5 tuổi, đến khi trẻ 9-10 tuổi thì teo dần và tới tuổi dậy thì chỉ còn lại dấu vết. Tuy nhiên trong một vài trường hợp quá trình thoái hoá này lại không diễn ra mà trở thành viêm v.a quá phát và tồn tại đến khi trẻ trưởng thành.

Viêm v.a cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ khiến tình trạng bị viêm tái phát. Nếu tình trạng tái phát kéo dài sẽ dẫn tới viêm v.a mãn tính gây khó khăn trong điều trị. Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, viêm v.a  là một trong những bệnh phổ biến nhất thường gặp ở trẻ em trong nước, chiếm tỷ lệ khoảng 30%, cao nhất trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi.

2. Nguyên nhân viêm v.a

- Cấu trúc của V.A có rất nhiều khe hốc nên vi khuẩn dễ dàng trú ngụ chờ tác nhân kích thích để phát tán.

- Môi trường sống (khói bụi, thuốc lá...) ngày càng ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các chứng viêm nhiễm.

- Viêm v.a có thể là do trẻ bị nhiễm lạnh hoặc thói quen ăn uống đồ lạnh tạo điều kiện cho các vi khuẩn virus hoành hành.

- Trẻ sau khi mắc một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên như cúm, sởi hay ho gà cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Một yếu tố thuận lợi cho sự quá phát của VA nữa ở trẻ là bệnh giang mai bẩm sinh.

- Sự phát triển rất mạnh của tổ chức bạch huyết, hạch ở cổ họng cũng là yếu tố làm quá trình viêm nhiễm diễn ra dễ dàng.

Ảnh 2.

Nghẹt mũi, chảy mũi nước và sốt cao là những dấu hiệu phổ biến của chứng viêm v.a. Ảnh: Internet

3. Triệu chứng thường gặp viêm v.a

Viêm v.a ở trẻ em có 2 dạng viêm cấp tính và viêm mãn tính với các biểu hiện bệnh như sau:

3.1. Viêm v.a cấp tính

Nghẹt mũi là triệu chứng điển hình đầu tiên, nhịp thở nhanh không đều, thở bằng miệng, hoặc ngáy khi ngủ. Trẻ sốt cao 39-41 độ C đột ngột, đôi khi kèm các cơn co giật, co thắt thanh quản gây khó thở, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa...

3.2. Viêm v.a mãn tính

Viêm VA mạn tính sẽ gây ra hiện tượng sốt từng đợt gọi là sốt vặt, tắc mũi liên tục, chảy mũi mủ nhầy xanh kéo dài, trẻ sẽ thường xuyên ho.Trẻ có thể bị suy giảm thính lực bởi tình trạng há miệng để thở, đêm ngủ hay ngáy, nghiến răng diễn ra trong một thời gian dài vì nghẹt mũi.

Trẻ sẽ chậm phát triển về cả thể chất và tinh thần, xanh xao, thường xuyên quấy khóc, rối loạn hô hấp, khó khăn trong phát âm nếu tình trạng viêm mãn tính kéo dài và diễn ra thường xuyên.

4. Chữa trị viêm v.a

Các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc để cho trẻ uống, mà nên đi đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị. Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý mà bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp.

Ảnh 3.

Vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý giúp quá trình điều trị viêm v.a đạt kết quả tốt. Ảnh: Internet

Viêm v.a ở trẻ em dạng nhẹ đôi khi chỉ cần bổ sung dinh dưỡng và nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng. Kết hợp rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%, hút đờm mũi sạch, giữ vệ sinh và ủ ấm cho trẻ. Trẻ bị viêm v.a nặng có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, hạ sốt, giảm đau…

Trong trường hợp viêm v.a ở trẻ em gây chèn ép đường thở gây nghẹt mũi hoàn toàn có thể gây biến chứng thì bác sĩ sẽ cân nhắc việc can thiệp bằng phẫu thuật nạo v.a  cho bệnh nhân.

Tác giả: Huyền Trang