Bà Nguyễn Thị Lý, 54 tuổi trú Quảng Yên, Quảng Ninh bị chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn muộn.
Bà Lý tâm sự, cách đây hơn 1 năm, bà đã có triệu chứng nuốt nghẹn như người mắc gì ở cổ nhưng đi khám bác sĩ bảo viêm họng hạt. BS chỉ định về nhà điều trị viêm họng. Dùng thuốc tây không đỡ bà lại uống thuốc nam, bệnh càng nặng hơn nhưng tuyệt nhiên bà không đến bệnh viện lớn kiểm tra.
Thấy tình trạng bệnh càng nặng hơn, bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra thì bị chẩn đoán u sùi thực quản đoạn 1/3 trên, kết luận ung thư thực quản. Đến nay, bà Lý đã thực hiện 24 mũi xạ trị và vẫn phải xạ thêm một liệu trình nữa.
Khi biết tin mình mắc ung thư thực quản, bà dường như bất ngờ vì trước đó bà là người không sử dụng thuốc lá, rượu bia, trong nhà cũng không ai có tiền sử mắc bệnh, không ai hút thuốc.
Khi bác sĩ chỉ ra các nguyên nhân gây bệnh, trong đó có thói quen uống nước nóng. Bệnh nhân mới giật mình nhớ ra thói quen uống nước trà xanh hãm nóng hơn 30 năm nay. Ngày nào bà cũng tự chuẩn bị cho mình một ấm tích nước trà xanh nóng, thói quen này lâu ngày khiến thực quản bị tổn thương, gây bỏng, viêm loét thực quản và sản sinh ra tế bào ung thư.
Theo Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy nhạy cảm với tia xạ, hóa chất. Đoạn 1/3 dưới hay gặp ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm với tia xạ, hoá chất.
Mặc dù chưa rõ về nguyên nhân gây ra ung thư thực quản, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc uống rượu mạnh và hút thuốc lá là hai nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này. Đặc biệt là thói quen ăn uống nóng, uống nước nóng đặc biệt là trà nóng, chất nitrosamin có trong mắm, dưa muối, bệnh ngắn niêm mạc thực quản cũng liên quan đến bệnh ung thư thực quản.
Đối với ăn uống thức ăn nóng, bác sĩ Căn cho biết, báo cáo từng ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh, nhất là ở miền Bắc Trung Quốc.
Uống trà nóng chính là nguyên nhân ung thư thực quản ở bà Nguyễn Thị Lý. (Ảnh: Internet)
Tại Việt Nam cũng tương tự, nhất là những người có thói quen uống trà nóng, cà phê nóng. Bởi vì, cà phê, chè hoặc các loại đồ uống nóng khác ở nhiệt độ bằng hoặc cao hơn ngưỡng nhiệt độ dẫn đến bỏng thực quản (phụ thuộc vào từng người) gây hao mòn thành thực quản và có thể dẫn đến ung thư. Thực quản bị bỏng có thể sinh ra tế bào ung thư.
Ung thư thực quản và bệnh viêm họng rất dễ bị nhầm lẫn bởi những triệu chứng tương đối giống nhau. Uống đồ nóng hoặc rất nóng khiến tế bào trong thực quản bị tổn thương, thúc đẩy mô mới được tái tạo, từ đó gia tăng tế bào và trạng thái viêm. Tình trạng này xảy ra thường xuyên khiến các tế bào thực quản bị đột biến, khối u phát triển nhanh hơn.
Bác sĩ Căn cho biết, triệu chứng của ung thư thực quản đầu tiên là nuốt nghẹn. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng không đặc hiệu. Ban đầu người bệnh có cảm giác nuốt vướng sau xương ức. Nuốt nghẹn mơ hồ, nhận thấy tương đối rõ khi nuốt thức ăn đặc.
Triệu chứng ung thư thực quản ngày càng biểu hiện rõ nhưng bệnh nhân không đi khám vì cho đó là bệnh tuổi già. Gặp hiện tượng nghẹn khi ăn khiến bệnh nhân phải dừng lại uống nước canh, đến uống nước cũng kèm theo nghẹn hoặc đau thì lúc này bạn không nên chủ quan nữa
Một số trường hợp do khối u lớn cản trở thức ăn, dịch tiết thực quản, nước bọt đọng lại, khi ngủ trớ ra ngoài. Ngoài ra, còn các triệu chứng khàn tiếng, rò thực quản – khí phế quản: ho khạc liên miên, đau ngực dai dẳng, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở bệnh nhân ung thư thực quản là gầy sút, suy dinh dưỡng, da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ.
Khi điều trị ung thư thực quản, điều quan trọng nhất là phối hợp và tìm ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý vì lúc này, việc ăn uống của bệnh nhân thông qua đường nhai, nuốt là rất khó khăn. Nâng đỡ dinh dưỡng phải bắt đầu sớm và đầy đủ trước khi bắt đầu mọi biện pháp điều trị cơ bản, triệt căn hay không triệt căn.
Cũng theo Bác sĩ Căn, phòng tránh ung thư thực quản ngay từ khi còn trẻ giúp đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh, đồng thời không nên sử dụng thuốc lá, rượu bia và uống đồ uống nóng. Thói quen uống trà nóng của nhiều người cũng cần hạn chế nếu như không muốn thực quản bị tổn thương nặng nề.