Nguyên nhân ung thư lưỡi đến từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Nguyên nhân ung thư lưỡi đến từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày
Ung thư lưỡi là một trong các ung thư vùng khoang miệng, phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân ung thư lưỡi lại đến từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Ung thư lưỡi là một căn bệnh ác tính có sự xuất hiện của một khối u phát triển ở lưỡi. Bệnh ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, tuy nhiên trong những năm gần đây căn bệnh này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu của ung thư lưỡi khá mơ hồ và dễ bị bỏ qua. Chỉ khi bệnh đã tiến triển nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường đến bệnh viện chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Vậy, nguyên nhân ung thư lưỡi đến từ những thói quen, lối sống thường ngày là gì?

1. Hút thuốc lá là nguyên nhân ung thư lưỡi hàng đầu

Thói quen này là khởi nguồn cho nhiều căn bệnh ung thư. Trong khói thuốc lá có chứa nicotine và hơn 40 hóa chất độc hại gây ung thư. Khói thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với ung thư miệng và cổ họng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hút thuốc có khả năng bị ung thư miệng hơn người không hút thuốc gấp 6 lần. Hút xì gà, tẩu thuốc lá thường xuyên khiến các tế bào lưỡi bị viêm nhiễm, biến đổi gây ra ung thư. Chất nicotin trong thuốc lá khá cao và khói hít vào có hại không chỉ đến các bộ phận khác nhau của miệng mà còn đến phổi, tim mạch.

Hãy luôn nhớ rằng, khi hút thuốc lá không những gây hại cho chính bản thân mình mà còn khiến những người xung quanh cũng có chung nguy cơ mắc bệnh như bạn.

2. Uống rượu

Có ít nhất 3/4 những người có bệnh ung thư miệng và hầu họng tiêu thụ rượu thường xuyên. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 70-80% những người mắc bệnh ung thư miệng là người nghiện rượu nặng. Rượu có khả năng kích thích các gen gây ung thư có thể trở thành ác tính. Bệnh nhân nghiện rượu cũng thường được chẩn đoán là bị đốm trắng trên lưỡi, đó có thể là triệu chứng của bệnh ung thư, chính vì vậy, uống rượu là một trong những nguyên nhân ung thư lưỡi hàng đầu.

Về bản chất thì rượu, bia không có chất gây ung thư, nhưng men từ rượu có thể chính là chất kích thích gây ung thư, nó thúc đẩy cho các chất gây ung thư xâm nhập vào niêm mạc lưỡi, từ đó dễ dàng dẫn đến bệnh ung thư lưỡi cực nguy hiểm. Tác hại của rượu không kém gì thuốc lá. Nếu bạn nghiện cả rượu và thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư tăng lên rất nhiều.

3. Vệ sinh răng miệng kém, răng mọc lệch

Vệ sinh răng miệng kém có thể là một trong những nguyên nhân ung thư lưỡi, đặc biệt với những người thường xuyên loét miệng và có thói quen mất vệ sinh.

 Điều này là do không vệ sinh răng miệng thường xuyên sẽ khiến cho lưỡi viêm nhiễm mãn tính, lâu dài cộng với yếu tố tổn thương do lưỡi cọ vào răng thường xuyên có khả năng dẫn đến u lưỡi. Vì vậy, bạn nên thực hành những thói quen tốt để giữ cho lưỡi và miệng sạch sẽ.

4. Các thói quen khác 

Chế độ ăn uống

Căn bệnh ung thư lưỡi còn có liên quan rất nhiều đến chế độ ăn uống: thiếu vitamin A, D, E; ăn nhiều đồ rán, đồ nướng, mỡ thực vật, ít ăn các loại rau, hoa quả… đều có thể là nguyên nhân ung thư lưỡi.

Nhai trầu

Đây là một thói quen phổ biến ở người châu Á, cũng chính là nguyên nhân ung thư lưỡi về lâu dài.

Tiếp xúc với tia cực tím, phóng xạ 

Tiếp xúc nhiều với tia cực tím, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở cường độ cao cũng có thể là lý do cho việc phát triển ung thư ở phần trên của lưỡi và các tổn thương gây ra đau đớn ảnh hưởng đến vòm miệng và môi.

Việc tiếp xúc với bức xạ cường độ cao hơn so với mức cho phép cũng là nguyên nhân ung thư lưỡi. Đặc biệt những nạn nhân của thảm họa hạt nhân có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn. 

Ung thư lưỡi là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, các triệu chứng của bệnh khó phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng sự suy giảm sức khỏe lại trở nên rõ ràng. Điều trị ung thư phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giai đoạn của nó. Chẩn đoán và điều trị sớm với các loại thuốc thích hợp, hóa trị, xạ trị có thể tăng tuổi thọ của bệnh nhân.


Tác giả: Thúy Nga