Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp dự phòng Barrett thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp dự phòng Barrett thực quản
Barrett thực quản là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh có thể gây chuyển biến xấu đặc biệt là ung thư thực quản.

1. Barrett thực quản là gì?

Barrett thực quản là một trong những chứng bệnh tương đối phổ biến xuất hiện ở đường tiêu hóa, bệnh thường gặp ở những người mắc chứng bệnh trào ngược dạ dày trong thời gian dày. Bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản làm tổn thương thực quản, kích thích niêm mạc trong lòng thực quản, bệnh kéo dài có thể dẫn tới dẫn tới ung thư thực quản.

Tuy tỷ lệ những người có trào ngược dạ dày thực quản mắc Barrett thực quản không cao nhưng bạn cũng cần hết sức chú ý tới biến chứng này. Barrett thực quản chính là tiền thân để dẫn tới ung thư thực quản.

2. Barrett thực quản có nguy hiểm không?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân có xuất hiện Barrett thực quản sẽ có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư thực quản. Chính vì thế, những bệnh nhân mắc Barrett thực quản cần chú ý đi khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát ung thực quản. Việc phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư giúp cho việc điều trị ung thư thực quản có hiệu quả tốt hơn.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nên Barrett thực quản, theo thống kê hầu hết những bệnh nhân có Barrett thực quản đều có trào ngược dạ dày tiến triển trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người được chẩn đoán mắc Barrett thực quản nhưng chưa hề có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Một số dấu hiệu nhận biết chứng bệnh Barrett thực quản có thể kể tới như sau: Người bệnh có dấu hiệu ợ nóng, ợ chua thường xuyên, người bệnh có cảm giác khó nuốt, nghẹn họng khi nuốt thức ăn, bệnh nhân bị đau ngực,…các dấu hiệu này cũng không quá điển hình nên nhiều người chủ quan và thường không đi khám.

Nếu tình trạng Barrett thực quản gây ợ nóng và trào ngược axit gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống thì người bệnh cần nhanh chóng đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bệnh nhân Barrett thực quản khi thấy những dấu hiệu sau: đau ngực, đau tim, khó nuốt, nôn ra máu,…thì cần nhanh chóng đến gặp các Bác sĩ chuyên khoa.

3. Barrett thực quản có lây truyền không?

Barrett thực quản là một bệnh không lây nhiễm, bất cứ ai cũng có thể mắc Barrett thực quản, tuy nhiên một số người có những yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh Barrett thực quản bao gồm:

Thường xuyên có dấu hiệu ợ nóng, mắc bệnh trào ngược dạ dày mãn tính

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc Barrett thực quản càng cao

Tỷ lệ mắc Barrett thực quản ở nam giới thường cao hơn so với nữ giới.

Những người da trắng có nguy cơ mắc Barrett thực quản cao hơn những người da vàng hay da đen.

Những người thừa cân có nguy cơ cao mắc Barrett thực quản hơn những đối tượng khác.

Những người có thói quen hút thuốc lá

4. Biện pháp phòng Barrett thực quản

Biện pháp phòng Barrett thực quản bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Sử dụng thuốc điều trị thực quản dạ dày và tiến hành tái khám đúng theo chỉ định của các Bác sĩ chuyên khoa đồng thời theo dõi sát biến chứng của bệnh. Bệnh nhân sử dụng thuốc cần chú ý sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định.

Duy trì cân nặng ở mức hợp lý là điều vô cùng cần thiết giúp đề phòng chứng bệnh Barrett thực quản. Để ổn định cân nặng, người bệnh cần tiến hành chia nhỏ bữa ăn để hạn chế tình trạng ợ hơi, ợ chua. Đồng thời, người bệnh cũng cần hạn chế những đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn chiên xào,…

Sau khi ăn người bệnh không nên nằm ngay, người bệnh nên đợi ít nhất khoảng 3 tiếng đồng hồ rồi mới nằm xuống, để tránh hiện tượng thức ăn trào ngược lên dạ dày thực quản.


Tác giả: Phạm Thị Mai