HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Virus HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến tử vong.
HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Ảnh: Internet)
AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS là khoảng 5 - 10 năm tuỳ thuộc vào khả năng chống đỡ của cơ thể người bệnh và sự điều trị đúng cách giúp kéo dài tuổi thọ.
HIV/AIDS là bệnh mãn tính, chưa tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể sử dụng thuốc để kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.
Đọc thêm:
- HIV/ADIS nguy hiểm như thế nào?
- 4 con đường dẫn đến HIV/ADIS
Virus HIV có trong dịch cơ thể của người mang bệnh như: máu, tinh dịch, dịch âm đạo, sữa mẹ,... có khả năng lây lan trực tiếp từ người sang người. Nguyên nhân dẫn đến HIV/AIDS khiến các ca mắc bệnh liên tục tăng về số ca mắc mới là bởi căn bệnh này có thể lây truyền qua 3 con đường chính: máu và các chế phẩm từ máu, đường tình dục và di truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và cho con bú. Đặc biệt, tình dục là con đường chính, là nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng lan rộng.
Nguyên nhân HIV/AIDS lây từ người sang người (Ảnh: Internet)
Trong thực tế, còn xảy ra một số trường hợp phơi nhiễm HIV mặc dù không tiếp xúc với bệnh nhân qua 3 con đường trên. Phơi nhiễm HIV là sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó.
Phơi nhiễm HIV có thể xảy ra trong quá trình lấy máu, truyền máu, sơ cứu,... người nhiễm HIV (Ảnh: Internet)
Virus HIV gây bệnh bằng cơ chế xâm nhập vào các tế bào của loại bạch cầu duy trì khả năng miễn dịch chống lại ung thư và nhiễm trùng T CD4+. Khi lượng tế bào này bị giảm, cơ thể con người sẽ không thể chống lại các tác nhân gây bệnh mà bình thường có thể tiêu diệt được, dẫn đến cơ thể dễ dàng bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong.
Khi HIV/AIDS trở thành căn bệnh thế kỉ, người bệnh luôn phải sống trong sự xa lánh và kỳ thị. Đó là do có những lầm tưởng về cách thức, nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ người sang người. Thực tế, virus HIV không thể lây lan qua những hoạt động giao tiếp thông thường, cụ thể:
- Các hoạt động giao tiếp bên ngoài: nói chuyện, bắt tay, ôm hôn,...
- Sử dụng chung các vật dụng: bát đũa, cốc chén, nhà tắm, nhà vệ sinh, ghế ngồi,...
- Virus HIV KHÔNG lây truyền qua các loại côn trùng giống các loại virus gây ra bệnh truyền nhiễm khác (sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,...)
Các hoạt động giao tiếp thông thường không phải là nguyên nhân HIV/AIDS lây lan (Ảnh minh hoạ: Internet)
Như vậy, việc né tránh, hạn chế vui chơi, giao tiếp thông thường với người nhiễm HIV là thực sự không cần thiết. Điều này cũng rất quan trọng trong nỗ lực giúp người nhiễm HIV tái hoà nhập cộng đồng.