Nguyên nhân làm tăng sắc tố da mà bạn chưa biết.

Nguyên nhân làm tăng sắc tố da mà bạn chưa biết.
Mặc dù tăng sắc tố da phần lớn là vô hại nhưng chúng ta vẫn cần phải biết nguyên nhân làm tăng sắc tố da để đề phòng những rủi ro không may có thể xảy ra.

Sắc tố là màu của da người . Khi một người khỏe mạnh, làn da của họ sẽ xuất hiện với màu sắc bình thường. Trong các trường hợp bệnh tật hay bị chấn thương thì da người có thể thay đổi màu sắc và sẽ trở nên tối hơn. Điều này được gọi là tăng sắc tố. 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tăng sắc tố da vùng mặt là tình trạng rối loạn sắc tố da thường gặp, nhất là ở những người có tuýp da sậm màu. Tăng sắc tố da xảy ra do biến đổi quá trình sản xuất và phân bố của melanin có trong cơ thể.

Ảnh 1.

Tăng sắc tố da mặt (ảnh Internet).

Một số nguyên nhân tăng sắc tố da vùng mặt:

1. Tăng sắc tố da do viêm nhiễm

Sau chấn thương hay sau quá trình viêm da do mụn trứng cá, kích ứng da, côn trùng đốt, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách... đều để lại hậu quả là tăng sắc tố da.

Biểu hiện tăng sắc tố da là những khoảng da bị sậm màu ở vị trí đang bị viêm hoặc đã từng bị viêm. Điều trị bệnh bắt đầu bằng việc phòng ngừa và kiểm soát quá trình viêm nhiễm trên da.

Ảnh 2.

Tăng sắc tố da do vêm nhiễm da (ảnh Internet).

 2. Nám má

Nám má thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đang mang thai hoặc uống thuốc ngừa thai dạng kết hợp. Nam giới đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng liệu pháp hormone cũng có thể xảy ra tình trạng này. 

Điều trị nám má bao gồm tránh nắng, sử dụng các thuốc bôi, lột da bằng hóa chất, chiếu laser…

3. Mắc bệnh tiểu đường

Những bệnh nhân mắc tiểu đường, béo phì thường có xu hướng tăng sắc tố da, biểu hiện bệnh rõ nhất ở hai bên gò má, mu bàn tay, bàn chân.

4. Sử dụng mỹ phẩm không đúng cách

Sử dụng mỹ phẩm dài ngày, thường là những sản phẩm làm trắng da, không đúng cách dẫn đến thương tổn da. 

Thương tổn điển hình có màu sắc hồng phủ lên vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như gò má, trán, thái dương và quanh vùng mắt. 

Vùng thương tổ có thể xuất hiện thêm nhiều chấm đen dạng trứng cá hay nốt sẩn li ti trên da.

5. Tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời

Tia cực tím phát ra từ mặt trời rất có hại cho làn da,làm tăng sắc tố da nhanh chóng. Nếu phải đứng ngoài trời nhiều giờ cần thoa kem chống nắng, đeo kím mát, đội nón, mũ.

6. Chứng gai đen

Chứng gai đen dẫn đến thương tổn làn da, tăng sắc tố ở nhiều vùng da, đặc trưng nhất là da vùng mặt, nếp cổ sau gáy, mặt gấp của tay, chân.

Các vị trí da khác cũng có thể gặp thương tổn như  rốn, bẹn, nếp dưới vú, quanh miệng.

Ảnh 3.

Chứng gai đen tại nhiều vị trí da khác nhau (ảnh Internet).

7. Mắc bệnh Liken phẳng

Liken phẳng chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Nếu nhiễm bệnh, da sẽ bị sẩn nhẵn, bóng, dẹt hình đa giác màu tím hoa cà, bề mặt da thường có những khía ngang dọc được gọi là mạng lưới Wickham. 

Khi khỏi bệnh, sẽ tăng sắc tố để lại nhiều vết thâm đen trên da.

8. Mắc bệnh da sẩn đen

Là bệnh thường gặp ở người châu Phi (35 - 37% mắc bệnh). Da sẩn đen được xem như một thể của bệnh dày sừng tiết bã, là bệnh lành tính. 

Thưởng tổn gây ra là nhiều sẩn đen kích thước 1-5mm hoặc có thể lớn hơn, việc điều trị bệnh chỉ mang tính thẩm mỹ.

Bác sĩ Hào cho biết thêm, các phương pháp điều trị tăng sắc tố da hiện nay thường có hiệu quả hạn chế và không dứt điểm bởi có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da. 

Vì vậy cần phải phối hợp điều trị bệnh bằng nhiều kỹ thuật bao gồm cả không xâm lấn lẫn xâm lấn tùy theo từng nguyên nhân làm tăng sắc tố da. Tránh nắng là bước quan trọng nhất cho cả quá trình phòng ngừa và điều trị tăng sắc tố da.

Tổng hợp

Tác giả: Yến Anh