75% đàn ông đái tháo đường bị rối loạn cương dương so với 25% trong dân số chung. Theo nghiên cứu của Massachusetts Male Aging Study (MMAS) trên 1709 đối tượng, tỷ lệ rối loạn cương dương trên bệnh nhân bị đái tháo đường từ 27-59% các trường hợp mới phát hiện và chiếm 28% trường hợp đang điều trị.
Có 2 cơ chế chính dẫn đến rối loạn cương dương trong bệnh đái tháo đường: Một là tổn thương mạch máu; hai là tổn thương thần kinh. Tình trạng rối loạn cương dương trong bệnh đái tháo đường được cho là có cùng bản chất với những tổn thương thần kinh ngoại biên, trong đó bao gồm những thần kinh ở dương vật.
Những tổn thương thần kinh này làm dương vật không thể hoà hợp với kích thích tình dục từ não bộ hay kích thích tình dục từ những cơ quan cảm giác khác. Hậu quả là ở bệnh nhân đái tháo đường, mặc dù có kích thích tình dục rất mạnh nhưng dương vật vẫn không cương hay mức độ cương không đủ để thực hiện cuộc giao hợp.
Ngoài ra, hiện tượng cương do giãn nở mạch máu ở dương vật cần đến một chất quan trọng là NO (nitric oxid) được tổng hợp từ tế bào nội mạc mạch máu.
Sự gia tăng đường máu kéo dài làm tổn thương tế bào nội mạc mạch máu dẫn đến giảm khả năng tổng hợp NO. Thiếu NO làm máu không đổ vào thể hang để gia tăng áp lực tại chỗ, khiến cho những tĩnh mạch dương vật đóng lại, ngăn cho máu không thoát ra khỏi dương vật để tạo ra tình trạng cương.
Hiện tượng xơ vữa động mạch cũng làm tổn thương khả năng sản xuất NO của nội mạc mạch máu, rất hay gặp trong bệnh đái tháo đường. Tình trạng xơ vữa động mạch làm hẹp lòng động mạch dương vật, hạn chế cung cấp lượng máu đổ đầy trong giai đoạn cương.
Theo cơ chế bệnh sinh, tổn thương mạch máu do đường huyết cao là một trong những nguyên nhân gây rối loạn cương dương trong bệnh đải tháo đường. Do đó, kiểm soát đường huyết là biện pháp chính yếu để hạn chế và phòng ngừa biến chứng khá phiền toái này.
Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác làm nặng thêm tình trạng rối loạn cương dương ở bệnh nhân bị đái tháo đường như trầm cảm, tác dụng phụ của thuốc điều trị, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch… Phải cân nhắc và xem xét đến tất cả yếu tố này trong chiến lược điều trị.