Bơi sải hay còn được gọi là bơi trườn sấp là kiểu bơi nhanh nhất với rất nhiều tác dụng tốt với sức khỏe thể chất. Kỹ thuật bơi sải được xem là nền tảng để học những kiểu bơi còn lại như bơi bướm, bơi ngửa,...
Luyện tập bơi sải hàng có thể cải thiện thể lực tổng thể, tăng sức bền và giúp các hệ cơ quan làm việc có hiệu quả hơn. Nó còn giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, giúp lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường. Bên cạnh đó, bơi sải còn là bài tập thư giãn cho những người bị chấn thương, giúp phục hồi nhanh chóng và cải thiện vóc dáng hiệu quả.
Kỹ thuật thở khi bơi rất khó đối với những người mới bắt đầu tập. Thở là phản xạ tự nhiên của cơ thể, chính vì vậy khi bơi, rất khó để có thể phối hợp cùng với các phản xạ khác của cơ bắp. Giữ nhịp thở tốt sẽ giúp bạn điều hòa được oxy cho các cơ có thể vận động, việc bơi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, tình trạng hụt hơi khi bơi sải là lỗi thường gặp nhất ở những người mới bắt đầu. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm: hít thở nông, nín thở và chân bơi quá nhanh, nhiều khiến bạn ngộp thở.
Người mới bắt đầu tập bơi có phản xạ nín thở khi úp mặt xuống nước thay vì thở ra. Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng hụt hơi khi bơi sải. Lý do khiến việc nín thở này xảy ra là do người tập sợ thở có thể làm nước chui vào miệng hay mũi nên nín thở để tránh bị sặc.
Tuy nhiên, việc nín thở ở dưới nước dẫn đến ngộp thở do lượng khí CO2 tăng cao. Người bơi sẽ không có đủ thời gian để vừa hít vào vừa thở ra kịp với nhịp bơi. Do vậy dẫn đến lượng khí hít vào là không đủ.
Nguyên nhân của việc hít thở nông có thể rất nhiều. Tuy nhiên chủ yếu là do lo lắng thái quá hoặc tâm lý luống cuống khi mới bắt đầu tập bơi. Hít thở nông dẫn đến thời gian cho việc lấy hơi ngắn. Nếu chưa kịp hít vào khi bàn tay với ra khỏi mặt nước, bạn sẽ bị thở muộn. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới lượng không khí hít vào khiến hít được ít không khí và ảnh hưởng tới kỹ thuật bơi sải.
Trên thực tế, khi bơi nhịp tim của bạn sẽ tăng cao. Theo đó nhu cầu oxy vào máu tăng, dẫn đến tình trạng cạn kiệt oxy nhanh chóng và ngộp nếu bơi với nhịp chân quá nhanh. Điều này là do cơ đùi đòi hỏi nhiều năng lượng để hoạt động hơn bất kì khối cơ nào trên cơ thể.
Với những người bơi yếu hoặc đang tập bơi thì tình trạng trên rất dễ xảy ra bởi họ sợ chìm nên chân thường đạp nhanh trong khi chưa tìm được nhịp điệu phối hợp.
Bơi là một môn rất khó, chỉ đọc và tìm hiểu lí thuyết cũng chưa chắc đã làm theo được. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ trong đầu một số lưu ý sau để có thể khắc phục tình trạng hụt hơi khi bơi sải:
- Luôn phải ghi nhớ thở ra cho hết khí. Thở bằng mũi là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa nước chui vào mũi. Điều nàu là do khí được đẩy ra sẽ ngăn không cho nước chảy ngược lại vào mũi.
- Ghi nhớ hít vào đúng thời điểm và hít sâu. Không nên hít vào sớm quá hay muộn quá dễ dẫn đến tình trạng sặc nước.
- Tránh hít vào nhưng chỉ chứa hơi trong vòm họng. Điều này làm cho không khí không vào phổi, do đó người tập sẽ cảm thấy ngộp nhanh chóng.
- Cần hít sâu trên mặt nước và thở ra hoàn toàn dưới mặt nước trước khi lấy hơi lượt mới.
- Khi chưa quen với kỹ thuật bơi sải, cần bơi từng đoạn thật ngắn 15 – 25m và tập trung vào nhịp động tác giữa chân và tay.