Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phái hoặc cong về phía trước hoặc khuỳnh ra sau. Cột sống bị cong vẹo không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường vốn có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận trên cơ thể. Đặc biệt là vùng ngực và lưng.
Theo nghiên cứu thống kê, tại Việt Nam tật cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15- 25% các bệnh học đường thường gặp phải ở trẻ em.
Khi biến dạng: cột sống có thể bị lệch sang phải hoặc sang trái (gọi là vẹo cột sống) hoặc uốn cong quá mức về phía trước gọi là ưỡn; về phía sau gọi là gù hay giảm độ cong của các đoạn cong sinh lý.
Ai cũng có nguy cơ bị cong vẹo cột sống, tuy nhiên tuổi học đường (học sinh) lại là đối tượng dễ bị cong vẹo cột sống tấn công. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng cong vẹo cột sống học đường như:
- Ngồi học không đúng tư thế: Học sinh thường có xu hướng ngồi lệch sang một bên khi nghe giảng, viết bài, nhất là khi viết - tư thế này diễn ra trong thời gian dài dễ gây ra hiện tượng cong vẹo cột sống, gù lưng, cận thị...
- Bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh: Bàn ghế tại trường thường không thể thiết kế riêng biệt cho từng em học sinh, do vậy có những em quá cao, hoặc quá thấp so với độ cao của bàn học.
- Đeo cặp sách quá nặng, đeo lệch một bên vai
- Thiếu ánh hướng nơi ngồi học khiến trẻ phải cúi đầu sát với sách vở khi đọc, viết
- Các tư thế xấu như: đi, đứng, ngồi không đúng tư thế, cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi.
Thông thường, trẻ em thường chưa ý thức được việc phải điều chỉnh tư thế do vậy cha mẹ và thầy cô cần chú ý điều chỉnh tư thế cho học sinh để tránh tình trạng cong vẹo cột sống khi còn nhỏ.
Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể do trẻ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng học sinh kém do ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương) hoặc do ngồi, đi đứng quá sớm.
- Học sinh khi bị cong vẹo cột sống thường bị lệch trọng tâm cơ thể, khiến trẻ ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết
- Căng thẳng thị giác và làm trí não mất tập trung, do vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
- Gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ do dị dạng thân hình.
- Gây ảnh hưởng tới sự vận động của hệ thống cơ xương, trẻ không thể tham gia các hoạt động thể thao như các bạn bè cùng trang lứa.
- Ngoài ra cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến phát triển khung chậu. Do đó ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ.
Tuổi học đường là giai đoạn trẻ dễ mắc phải một số căn bệnh như cận thị, cong vẹo cột sống... Do vậy, để trẻ lớn lên và phát triển khỏe mạnh, phụ huynh và giáo viên cần:
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ (chế độ ăn uống cần có đủ protein, vitamin, chất khoáng…), chú ý đến những thức ăn giàu canxi.
- Nâng cao thể trạng cho học sinh bằng cách cho các em tham gia luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
- Hướng dẫn học sinh ngồi ngay ngắn, đúng tư thế. Không nên ngồi học quá lâu mà nên có thời gian nghỉ giải lao giữa giờ.
- Lớp học cần đảm bảo chiếu sáng đầy đủ, cả chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Góc học tập tại nhà cũng nên bố trí ở nơi thoáng mát, có đủ điều kiện ánh sáng.
- Bàn ghế, bảng phải có kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Nếu trẻ quá cao, hoặc quá thấp, phụ huynh cần đề xuất các phương án để đảm bảo sự thoải mái cho con khi đi học.
- Không nên để học sinh mang vác cặp sách quá nặng. Khi đeo cặp cần đeo cả hai vai hoặc phải đổi bên đeo cặp đều đặn nếu cặp chỉ có một dây đeo.
- Nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho các em.
Bệnh cong vẹo cột sống nếu tiến triển nặng có thể phải phẫu thuật chỉnh hình, chưa nói đến kinh phí điều trị lớn mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sau này.