Rất nhiều người vào cuối mùa thu - đầu mùa đông thường xuyên thấy xuất hiện hiện tượng mệt mỏi, chán chường, suy nghĩ đình trệ, ngại cử động, ăn ngủ nhiều hơn, cảm thấy bản thân không có nhiều sức lực và năng lượng, khó tập trung vào vấn đề gì đó, không muốn thức dậy làm việc vào buổi sáng,...
Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây chính là dấu hiệu của bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa mà nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm này lại đến từ chính sự thay đổi của thời tiết. Trầm cảm theo mùa khiến cho nhiều người dễ rơi vào tình trạng sầu buồn, sợ hãi… mà không hiểu vì sao, và có người triệu chứng còn nghiêm trọng hơn.
Rối loạn cảm xúc theo mùa là một rối loạn khí sắc có thể xảy đến vào lúc giao mùa thu - đông, trong khoảnh khắc tiết trời thay đổi, ánh sáng yếu đi, nhiệt độ hạ xuống. Những thay đổi của môi trường xung quanh là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm bởi nó khiến cơ thể thiếu hụt vitamin D, Tryptophan (chất tạo ra Serotonin – thứ hoóc môn chống trầm cảm), nhưng lại kích thích sản xuất chất Melatonin (thúc đẩy giấc ngủ) - gây ra rối loạn tình cảm, tác động lớn đến tinh thần như suy giảm trí nhớ, dễ cáu gắt…
Ảnh: Internet
Khoa học đã chứng minh, thời tiết chuyển mùa hay có cảm giác mệt mỏi, chán nản, thờ ơ và không có hứng thú làm gì, nhất là lúc ngủ dây, vừa ngái ngủ, vừa co ro trong bầu không khí lạnh lẽo, u ám…
Chứng bệnh tinh thần này ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, được các bác sĩ gọi này là SAD - hội chứng trầm cảm theo mùa.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho đây là triệu chứng điển hình về tinh thần của một người bị rối loạn tình cảm theo mùa, và có ít nhất 20% số dân số từng có biểu hiện thay đổi về tình cảm theo mùa.
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm chủ yếu là do thay đổi lượng ánh sáng giữa các mùa, dân vùng phía Bắc hay mắc hơn vào thời điểm cuối thu – đầu đông. Các nhà khoa học phân tích, khi ánh sáng mặt trời xuyên qua đôi mắt đi vào não sẽ giúp bên trong não sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh có tên gọi Serotonin, chất này có tác dụng hỗ trợ các tế bào thần kinh và tâm trạng hoạt động.
Chính vì thế, rối loạn cảm xúc theo mùa không đơn thuần là trạng thái cảm xúc tâm lý mà là một dạng bệnh lý đặc biệt không nên coi thường. Chứng trầm cảm theo mùa có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới học tập, công việc và sinh hoạt hàng ngày. Cá biệt còn có thể khiến con người rơi vào tuyệt vọng, hoặc có những suy nghĩ tiêu cực, bất lợi cho chính mình.
Ảnh: Internet
Hội chứng trầm cảm theo mùa có tính lặp lại theo chu kỳ và cần được phân biệt với bệnh lý trầm cảm thông thường bởi đặc điểm rõ rệt này. Nhiều trường hợp sau khi chuyển mùa sang xuân - hè người bệnh sẽ mất dần các dấu hiệu của bệnh tuy nhiên càng để lâu càng gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý cảm xúc người bệnh.
Triệu chứng là người ta dễ cáu gắt, lo lắng, buồn rầu, ủ rũ, động tác chậm chạp, buồn ngủ, ăn nhiều và thích các món nhiều tinh bột như bánh mì, bánh bao… và đương nhiên sẽ tăng cân. Các triệu chứng trên chỉ xuất hiện khi vào mùa, và tự biến mất khi hết mùa theo chu kỳ.
Ảnh: Internet
Ai cũng có thể mắc chứng trầm cảm theo mùa và mắc kẹt cảm xúc cuối thu - đầu đông vào thời điểm ánh sáng yếu, nhưng nguy cơ cao hơn gồm:
- Nữ dễ mắc hơn nam.
- Độ tuổi hay mắc từ 15 – 55, tuổi càng cao nguy cơ càng giảm.
- Người sống ở miền Bắc dịp cuối thu - đầu đông dễ mắc hơn người ở phía Nam (vì thời gian có ánh sáng rất ít và có sự thay đổi đột ngột mức độ ánh sáng giữa các mùa trong năm).
- Gia đình có người thân từng bị ảnh hưởng của chứng bệnh này.
Tuy nhiên, hội chứng trầm cảm theo mùa không đáng sợ như nhiều người lo lắng, nó sẽ tự hết khi mùa xuân đến có nắng nhiều hơn.