Bé Nguyễn Phương Anh (6 tháng tuổi, Hà Nội) thường xuyên bị đi ngoài, chướng bụng và căng cứng cơ bụng. Mẹ của bé cho rằng đây là biểu hiện của chứng rối loại tiêu hoá thường gặp ở trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, khi được đưa đi kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ khẳng định bé không bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
Sau đó, bác sĩ giới thiệu bé tới khám dị ứng lâm sàng, khi xét nghiệm thì bác sĩ chẩn đoán bé bị dị ứng với đạm trong sữa bò.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê, chuyên khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết mỗi tháng, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng đạm sữa bò với rất nhiều biểu hiện khác nhau.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng dị ứng nhanh, hoặc xuất hiện muộn hơn (trên 48 giờ) gọi là phản ứng dị ứng chậm.
Bác sĩ Lê cho biết dị ứng đạm sữa bò là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò.
Dị ứng sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn (Ảnh: Internet)
Dị ứng với đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường hay gặp, chúng xuất hiện ở khoảng 2 – 7,5% trẻ trong độ tuổi này.
Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa và tình trạng này hầu hết sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi.
Khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, từ đó cơ thể sẽ tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (chất gây dị ứng). Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng là Casein và Whey.
Vào những lẳn sử dụng sữa sau, kháng thể IgE nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác. Đây là lời giải thích cho các dấu hiệu và triệu chứng: phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, khô họng, khó thở và sốc phản vệ…
Ảnh: Internet
Ngoài ra, dị ứng sữa là loại dị ứng có tính di truyền. Nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh về dị ứng thì nguy cơ trẻ bị dị ứng sữa bò là cao hơn trẻ khác
Khi trẻ có các biểu hiện dị ứng, cần đưa bé đến gặp các bác sĩ để được thăm khám. Nếu được kết luận dị ứng sữa bò, trẻ cần có thực đơn kiêng hoàn toàn sữa và các chế phẩm từ sữa. Mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến thành phần của các loại thực phẩm để đảm bảo chúng không được chế biến từ sữa.
Khi bị dị ứng sữa bò, các loại sữa động vật giàu protein khác như sữa dê,... cũng cần được tránh sử dụng.
Duy trì nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn dặm hợp lí. Ngoài ra, các loại sữa công thức amino acid, không chứa bất kì một chuỗi protein nào, có thể được sử dụng nếu trẻ khó sử dụng sữa thủy phân hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng.
Ảnh: Internet
Tuy nhiên, các mẹ không nên quá lo lắng khi con bị dị ứng sữa bò vì tình trạng này có thể sẽ chấm dứt khi bé được trên 1-4 tuổi. Trong thời gian bị dị ứng, trẻ cần được chăm sóc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khi cơ thể không còn các biểu hiện dị ứng sữa, bé có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường, bao gồm cả sữa và các chế phẩm từ sữa.
Tổng hợp