Khi nhắc đến các bệnh do nghiện rượu gây ra, người ta thường nghĩ đến những bệnh vê hệ thần kinh và bệnh gan. Tuy nhiên, rượu cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở người, chúng tiến triển nhanh chóng và gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Theo thống kê từ Bộ y tế, nguy cơ viêm phổi ở người nghiện rượu thường cao gấp 3 - 4 lần so với người bình thường. Hơn nữa, viêm phổi ở người nghiện rượu thường nặng hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn tới 20%. Điều này là do người nghiện rượu không chỉ mắc bệnh viêm phổi mà còn dễ dàng mắc các bệnh về gan như xơ gan cổ trướng, ung thư gan. Những người như vậy thường sẽ có cơ hội sống chỉ 30% hoặc thấp hơn.
Người nghiện uống rượu thường có nguy cơ cao nhiễm các vi khuẩn như Streptococcus pneuminiae, Klebsiella pneumoniae, trực khuẩn lao Mycobacteryum tuberculosis và mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt viêm phổi là căn bệnh dễ mắc phải nhất.
Ở người bình thường, vùng hầu họng là nơi sinh sôi của một số chủng vi khuẩn nhưng chúng ít gây bệnh cho người. Tuy nhiên, khi uống quá nhiều rượu, môi trường ở họng thay đổi, có sự gia tăng của một số vi khuẩn gram âm như K.pneumoniae và những vi khuẩn có độc tính cao gây viêm phổi.
Người nghiện rượu thường bị bệnh trào ngược dạ dày. Căn bệnh này sẽ làm trào ngược dịch vị dạ dày từ dạ dày lên thực quản và vào phổi của người. Những dịch ở dạ dày đó khi di chuyển lên đã mang theo rất nhiều vi khuẩn ( do uống rượu thường xuyên nên các pH trong dịch vị không đủ khả năng diệt vi khuẩn gây bệnh) cùng với dịch acid tiến vào đường hô hấp gây viêm phổi.
Nghiện rượu cũng làm hệ miễn dịch kém hơn, những vi khuẩn đã xâm nhập vào cơ thể dễ dàng tấn công phổi và gây bệnh viêm phổi cho người bệnh.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây bệnh viêm phổi còn là do vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá kèm uống rượu, suy dinh dưỡng do nghiện rượu nặng.
Các triệu chứng viêm phổi ở người nghiện rượu tương tự như người bình thường, đó là ho nhiều, sốt, đau ngực, đau đầu, nôn, mệt mỏi. Nhịp thở nhanh và mạnh hơn, tiến hành khám phổi thì thấy tiếng cọ màng phổi, tiếng nổ, ngáy, ran rít trong phổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân thường xuyên say xỉn và có hệ miễn dịch kém thì các triệu chứng không xuất hiện rõ ràng.
Người bệnh thường được nhập viện trong hai tình huống: một là suy hô hấp nặng, hai là tình trạng sốc (sốc giảm thể tích do mất dịch hoặc sốc nhiễm khuẩn).
Họ sẽ khó thở dữ dội, môi tím tái, mạch đập dồn dập, da tái lạnh, tụt huyết áp đột ngột. Chụp Xquang lồng ngực sẽ thấy phổi trắng xóa một phần hoặc toàn bộ. Những trường hợp này thường tiến triển xấu nhanh và tử vong cho dù có được chạy chữa tích cực.
Để điều trị bệnh viêm phổi, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh, đó là các loại kháng sinh nhạy với các vi khuẩn gây nên viêm phổi ở người nghiện rượu.
Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân thuốc ceftazidime và một aminoside hoặc quinolone dùng để uống hoặc tiêm tùy theo tình trạng bệnh nhân. Với các trường hợp bệnh đã trở nặng, các bác sĩ sẽ cho người bệnh điều trị tại khoa hồi sức tích cực với các biện pháp hồi sức hô hấp, tuần hoàn, kháng sinh đường tĩnh mạch. Bệnh nhân cần được bổ sung dinh dưỡng và kết hợp điều trị các tổn thương khác trên cơ thể do tổn thương rượu gây ra.
Bệnh viêm phổi ở người nghiện rượu rất nguy hiểm nhưng lại rất khó phòng tránh. Biện pháp tốt nhất chính là không sử dụng rượu và cai rượu khi đã nghiện rượu.
Người nghiện rượu lâu năm chưa bỏ được thì cần hạn chế lại, vệ sinh răng miêng sạch sẽ, ăn uống đủ chất, vận động nhiều để giảm nguy cơ viêm phổi. Cũng nên chú ý đến một số dấu hiệu sớm của viêm phổi ở người nghiện rượu như đang uống rượu tự nhiên bỏ rượu, mệt mỏi, tức ngực, sốt ngây ngấy... để nhanh chóng đưa bệnh nhân đi khám tìm ra nguyên nhân gây bệnh viêm phổi và điều trị kịp thời.