Nguyên nhân bị chốc lở là do... ở bẩn?

Nguyên nhân bị chốc lở là do... ở bẩn?
Chốc lở là bệnh nhiễm khuẩn ngoài da thường gặp gây đau và làm xuất hiện các vết loét đỏ trên da. Một khi đã bị nhiễm bệnh, nó có thể dễ dàng lây sang người khác. Vậy nguyên nhân bị chốc lở là gì?

1. Chốc lở là bệnh gì?

Chốc lở là bệnh nhiễm khuẩn ngoài da thường gặp rất dễ lây, gây đau và làm xuất hiện các vết loét đỏ trên da.

Những vết loét này có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể. Trong một số trường hợp chúng thường đặc biệt xuất hiện xung quanh mũi, miệng, trên bàn tay và bàn chân. Một khi bị vỡ, chất lỏng sẽ chảy ra và sau đó hình thành một lớp vảy màu vàng nâu.

Ảnh 1.

Các vết loét đỏ trên da do chốc lở (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân bị chốc lở

Một trong những nguyên nhân bị chốc lở là do vi khuẩn. Bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc với các vết loét trên da của một ai đó bị nhiễm bệnh, hoặc quần áo, khăn trải giường, khăn, các chất lỏng bị "ô nhiễm" từ mụn nước của người nhiễm bệnh. Sau khi bị nhiễm bệnh chốc lở thì có thể mất từ 1 đến 10 ngày sau mới nổi đỏ da.

Hai loại vi khuẩn gây ra bệnh chốc lở là liên cầu khuẩn (Streptococcus pyogenes) và tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus). Vi khuẩn tụ cầu khuẩn sản xuất ra một loại độc tố là nguyên nhân gây chốc lở lan rộng cho vùng da gần đó. Các chất độc tấn công một loại protein giúp các tế bào da liên kết với nhau. Khi protein này bị hư hỏng, vi khuẩn có thể lây lan nhanh chóng.

Ảnh 2.

Liên cầu khuẩn là nguyên nhân gây chốc lở (Ảnh: Internet)

Khi da của bạn bị tổn thương do các vấn đề về da như chàm, nhiễm độc cây thường xuân, côn trùng cắn, vết bỏng hoặc vết cắt, các vi khuẩn sẽ đi vào cơ thể thông qua các vết thương đó dù cho các tổn thương đó không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Ngoài ra, cả hai loại vi khuẩn gây chốc lở có thể sống vô hại trên da cho đến khi thâm nhập thông qua một vết cắt hoặc vết thương khác trên da và gây nhiễm trùng.

Ở trẻ em, sau khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng làm cho da dưới mũi bị khô, trẻ em có thể mắc bệnh chốc lở. Trong một số trường hợp, bệnh chốc lở vẫn có thể xảy ra trên làn da hoàn toàn khỏe mạnh.

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ chốc lở

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh chốc lở gồm có:

- Độ tuổi: Trẻ em từ 2 - 6 tuổi có nguy cơ bị chốc lở cao nhất 

- Tiếp xúc trực tiếp với một người có chốc lở thông qua bộ đồ giường, khăn tắm hoặc quần áo bị nhiễm chốc lở

- Thời tiết: Thời tiết ẩm, ấm tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn phát triển và lây lan. Vì vậy trong mùa hè bạn có nguy cơ bị bệnh chốc lở cao hơn

- Sống ở nơi dân cư đông đúc: Điều kiện đông đúc làm bệnh chốc lở dễ lây lan từ người này sang người khác, chẳng hạn như trong trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ em

Ảnh 3.

Trường mẫu giáo đông trẻ nhỏ là cơ hội khiến bệnh chốc lở dễ lây lan (Ảnh: Internet)

- Tham gia vào môn thể thao có liên quan đến tiếp xúc da, chẳng hạn như bóng đá hoặc đấu vật

- Viêm da mãn tính hiện có, đặc biệt là viêm da dị ứng 

- Những người lớn tuổi và những người mắc bệnh tiểu đường hoặc một hệ thống miễn dịch bị tổn thương đặc biệt có khả năng phát triển mụn mủ (ecthyma), một hình thức sâu hơn và nghiêm trọng hơn của chốc lở 

- Cấu trúc da bị phá vỡ: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương trên da hoặc thậm chí là các tổn thương mà ta không thể nhìn thấy

4. Phòng ngừa bệnh chốc lở

- Giữ da sạch sẽ bằng cách tắm rửa, vệ sinh hàng ngày sạch sẽ, dùng các loại xà phòng diệt khuẩn

- Mặc quần áo thoáng mát, chất liệu vải thấm mồ hôi; tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan

- Rửa sạch các vết xước, vết côn trùng cắn và vết thương ngay khi phát hiện ra 

- Thay và giặt sạch quần áo, khăn mặt, khăn tắm mỗi ngày và không dùng chung những vật dụng đó với bất cứ ai khác trong gia đình

Ảnh 4.

Phòng ngừa chốc lở bằng cách rửa tay thường xuyên và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày (Ảnh: Internet)

- Cắt ngắn móng tay để ngăn chặn tổn thương da do việc cào hay gãi

- Uống đủ nước, nước trái cây và ăn rau xanh

- Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng hoặc để côn trùng đốt.

Tác giả: D.A