Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể bùng thành dịch. Bệnh này có thể tiến triển nặng và phức tạp, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chảy máu chân răng là một trong những biến chứng của bệnh lý sốt xuất huyết. Vậy nguyên nhân gây sốt xuất huyết chảy máu chân răng là gì? Chảy máu chân răng khi bị sốt xuất huyết cần điều trị như thế nào?
Tác nhân gây ra bệnh lý sốt xuất huyết là Virus Dengue. Đây là loại virus lây truyền qua muỗi nên thường bùng thành dịch theo chu kỳ hoạt động của chúng.
Bệnh do virus Dengue gây ra được gọi là sốt xuất huyết bởi bệnh lý này có hai triệu chứng đặc trưng là sốt và xuất huyết. Sau khi phát sốt, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ xuất hiện tình trạng tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết. Trên thực tế, hầu hết người bệnh bị sốt xuất huyết đều sẽ bị xuất huyết dưới da tạo ra những vết bầm tím hoặc những nốt trông giống phát ban.
Các thống kê cho thấy, có đến ⅓ trường hợp sốt xuất huyết bị xuất huyết nặng hơn do các triệu chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng. Các bác sĩ cho biết tình trạng xuất huyết này là do virus tác động vào cơ thể làm giảm tiểu cầu và chức năng tiểu cầu khiến cho các mao mạch mỏng hơn, dễ dàng nứt, gãy, gây ra xuất huyết.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sốt xuất huyết cũng hay bị rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ hình thành những cục máu đông trong lòng mạch, khiến bệnh nhân có thể bị tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu cục bộ hay suy đa tạng.
Đọc thêm:
- Điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không?
- Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ mà phụ huynh tuyệt đối không nên bỏ qua
Các chuyên gia cho biết, chảy máu chân răng khi bị sốt xuất huyết không phải là vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng, bệnh nhân không nên quá hoang mang.
Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt xuất huyết chảy máu chân răng kéo dài thì bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi, điều trị bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết tiến triển nặng với triệu chứng chảy máu niêm mạc.
Các chuyên gia còn cho biết thêm, sốt xuất huyết chảy máu chân răng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Mất máu đột ngột, cấp tính, khiến người bệnh suy nhược cơ thể.
- Huyết tương thoát ra khỏi lòng mạch dẫn đến tình trạng cô đặc máu, tràn dịch màng bụng, màng phổi và có thể tiến triển thành sốc, huyết áp thấp và trụy tim mạch.
- Chảy máu nội tạng với triệu chứng như: Nôn mửa liên tục, có thể nôn ra máu, đau tức vùng gan và thượng vị, phân có màu đen, tay chân lạnh... Nặng hơn là chảy máu não, thậm chí tử vong.
Sốt xuất huyết chảy máu chân răng được xử lý và điều trị như thế nào còn tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh.
Với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể được bác sĩ cho phép điều trị tại nhà bằng chăm sóc, giảm nhẹ triệu chứng kết hợp theo dõi và phòng ngừa. Theo đó, bệnh nhân cần bổ sung đủ nước, hạ sốt và giảm đau theo đúng hướng dẫn, theo dõi những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm và đến viện khi cần thiết.
Người bệnh sốt xuất huyết chảy máu chân răng sau khi nhập viện có thể được điều trị cấp cứu bằng cách truyền máu, bổ sung tiểu cầu... tùy vào mức độ cũng như thể trạng người bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân có sốc nặng, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay để giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Tiêu thụ thức ăn mềm có nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và dễ tiêu hóa.
- Không tự ý sử dụng kháng sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước điện giải và hoa quả để bù nước.
- Nghỉ ngơi và thư giãn, hạn chế làm việc, tránh căng thẳng, stress.
Chảy máu chân răng chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu xuất huyết nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể phải đối mặt với biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, để đề phòng chảy máu thứ phát, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên lưu ý những vấn đề sau đây:
- Nghỉ ngơi trên giường, hạn chế vận động hay những hoạt động mạnh có thể gây chấn thương và chảy máu.
- Hạn chế đánh răng mạnh hoặc ăn thực phẩm cứng làm tổn thương nướu gây chảy máu.
- Khi chảy máu chân răng xảy ra, dùng tay tạo áp lực đến điểm chảy máu để cầm máu trong vài phút, tình trạng này sẽ được cải thiện.
Trên đây những thông tin về sốt xuất huyết chảy máu chân răng cũng như cách phòng ngừa, điều trị. Cần lưu ý, khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được kê đơn và hướng dẫn điều trị bệnh cụ thể với thể trạng để đảm bảo sức khỏe.