Nguy hiểm bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em

Nguy hiểm bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Ngoài những trường hợp bệnh do vi khuẩn tấn công đường ruột, dị ứng thức ăn, tiêu chảy cấp ở trẻ em cũng có thể lây lan trong cộng đồng và trở thành dịch bệnh.

Tiêu chảy là căn bệnh phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Ngoài những trường hợp bệnh do vi khuẩn tấn công đường ruột, dị ứng thức ăn, tiêu chảy ở trẻ em cũng có thể lây lan trong cộng đồng và trở thành dịch bệnh.

Tuy là căn bệnh phổ biến mà hầu hết mỗi đứa trẻ đều gặp khoảng 1,2 lần mỗi năm, thậm chí nhiều hơn, cách điều trị cũng không quá phức tạp nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng lúc, bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng nặng nên đến sức khỏe.

Để có hướng xử trí phù hợp khi con bị tiêu chảy, bố mẹ hãy cũng tìm hiểu về những nguy hiểm do tiêu chảy cấp ở trẻ em gây ra dưới đây:

Ảnh 2.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: Internet)

1. Tiêu chảy cấp ở trẻ em gây mất nước

Đây là hậu quả chính cũng như phổ biến nhất do tiêu chảy gây ra. Đi ngoài liên tục, nhiều lần trong ngày khiến cơ thể của trẻ bị mất nước nhanh chóng dẫn đến uể oải, mệt mỏi. Nếu mất quá nhiều nước mà không được bù lại kịp thời có thể dẫn đến tử vong. 

Do đó, bù nước cho trẻ khi bị tiêu chảy là việc cần phải thực hiện ngay và liên tục trong quá trình điều trị bệnh cho con.

Nước lọc, cháo, súp hay nước hoa quả đều có thể sử dụng để bù nước cho bé. Bố mẹ nên chú ý đến tình trạng mất nước của con như đi ngoài bao nhiêu lần, da và môi khô,... để cho con uống và ăn bù lượng nước được đầy đủ.

2. Mất chất điện giải

Tương tự như nước, tiêu chảy cấp ở trẻ em khiến một lượng lớn chất điện giải trong cơ thể của bé bị mất đi, gây mệt mỏi, chóng mặt, uể oải. Nếu không được bổ sung chất điện giải, trẻ sẽ rất mệt mỏi. Uống dung dịch oresol là cách phổ biến và đơn giản nhất hiện nay để bù chất điện giải cho trẻ. 

Bố mẹ có thể mua oresol ở các hiệu thuốc và pha theo chỉ dẫn để cho bé uống. Nên cho bé uống sau mỗi lần đi ngoài, liều lượng từ 50 - 100ml tùy độ tuổi và thể trạng của trẻ.

3. Suy dinh dưỡng khiến bệnh khó điều trị

Ảnh 3.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em kéo dài quá lâu có thể gây suy dinh dưỡng (Ảnh: Internet)

Suy dinh dưỡng là hậu quả nguy hiểm tiếp theo do bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em gây ra. Tiêu chảy kéo dài khiến rối loạn quá trình chuyển hóa và trao đổi chất dinh dưỡng, khiến cơ thể trẻ thiếu hụt dinh dưỡng và khoáng chất thiết yếu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. 

Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, việc điều trị tiêu chảy càng trở nên khó khăn hơn và dẫn đến hậu quả ngược là cơ thể trẻ tiếp tục bị mất chất dinh dưỡng, suy nhược kéo dài.


Tác giả: Trương Thị Mỹ Duyên