Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng thành ung thư thực quản. Vậy 2 căn bệnh này có mối quan hệ như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây bạn nhé.
Trào ngược acid là cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng sau khi ăn hoặc uống. Phần lớn tất cả chúng ta đều có thể trải qua cảm giác này ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, khi cơn trào ngược dạ dày trở thành mãn tính (trào ngược acid xảy ra 2 lần trở lên mỗi tuần) thì có thể dẫn đến biến chứng ung thư thực quản.
Thực quản được miêu tả như một chiếc ống dài vận chuyển thức ăn từ cổ họng xuống dạ dày. Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, acid từ dạ dày sẽ đi lên thực quản. Theo thời gian, điều này có thể làm hỏng mô thực quản và có thể khiến ung thư phát triển.
Có 2 loại ung thư thực quản chính là ung thư biểu mô tuyến và ung thư tế bào vảy. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến.
Chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định mối liên hệ giữa bệnh trào ngược dạ dày và ung thư thực quản. Nhưng những người thường xuyên bị trào ngược dạ dày lại có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
Vì bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ khiến cho acid dạ dày văng lên và tiếp xúc với phần dưới của thực quản. Dạ dày có một lớp lót để bảo vệ nó khỏi acid bào mòn, trong khi thực quản lại không có. Điều này đồng nghĩa với việc acid có thể gây tổn thương cho các tế bào mô trong thực quản.
Đôi khi, tổn thương mô do trào ngược axit sẽ dẫn đến một tình trạng gọi là Barrett thực quản. Biến chứng này sẽ khiến cho các mô trong thực quản được thay thế bằng các mô tương tự như ở niêm mạc ruột. Trong một số trường hợp, các tế bào này sẽ phát triển thành các tế bào tiền ung thư.
Mặc dù Barrett thực quản có mối liên hệ với nguy cơ ung thư thực quản cao hơn, nhưng phần lớn những người mắc bệnh này lại không có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản. Bên cạnh đó, những bệnh nhân mắc cả bệnh trào ngược dạ dày và Barrett thực quản lại có khả năng mắc ung thư thực quản cao hơn so với người chỉ mắc trào ngược dạ dày.
Cấp độ C được xem là mức độ nặng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ở cấp độ này, bệnh nhân thường cảm thấy đau đớn, khó chịu và suy nhược cơ thể. Các biểu hiện cụ thể bao gồm:
- Tình trạng ợ nóng xảy ra thường xuyên và có xu hướng kéo dài hơn.
- Bệnh nhân có cảm giác đau ở phần dưới xương ức - nơi thực quản tiếp xúc với dạ dày.
- Acid dịch vị tiết ra một cách mất kiểm soát khiến niêm mạc thực quản tổn thương nghiêm trọng. Các vết loét ở niêm mạc bắt đầu tăng lên về số lượng, kích thước và mức độ.
- Có hiện tượng chảy máu thực quản, nôn và đi ngoài ra máu.
- Thực quản thường xuyên bị co rút khiến việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt là người bệnh thường cảm thấy đau, nghẹn hoặc sặc khi ăn.
- Lớp niêm mạc thực quản gần dạ dày bị biến đổi về màu sắc và hình dạng.
- Lớp biểu mô vảy phân tầng có sự thay đổi rõ rệt. Lớp biểu mô này sẽ bị thay thế bằng lớp biểu mô tương tự ở dạ dày, ruột non.
Sự thay đổi màu sắc và hình dạng tế bào niêm mạc thực quản là điểm dễ nhận biết nhất khi trào ngược dạ dày chuyển sang cấp độ C. Sự biến đổi sẽ giúp lớp niêm mạc thực quản thích nghi khi tiếp xúc với acid dịch vị. Đây cũng có thể được coi là giai đoạn Barrett thực quản.
Điều trị sớm là cách hữu hiệu giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt là các biến chứng nguy hiểm như ung thư thực quản. Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhé.