Viêm tiểu phế quản là bệnh gì? Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng do virus ảnh hưởng tới đường hô hấp dưới, gây ra viêm và tắc nghẽn trong đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) của phổi. Theo Medical News Today, các chuyên gia ước tính trong năm đầu đời của trẻ sơ sinh, nguy cơ trẻ bị viêm tiểu phế quản là 11 - 15%.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân phổ biến gây viêm tiểu phế quản ở trẻ. Trẻ sơ sinh nhiễm RSV có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng và cần phải nhập viện điều trị. Ngoài RSV thì Rhinovirus, Adenovirus, các loại virus gây viêm phổi, virus cúm,... cũng có thể gây ra tình trạng này. Trong một số ít trường hợp, viêm tiểu phế quản có thể do vi khuẩn.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) thường có xu hướng phát triển bắt đầu từ mùa thu, có thể tiếp tục lưu hành cho đến những tháng mùa xuân, bùng phát mạnh mẽ vào khoảng thời gian giao mùa đông - xuân. Hiện tại không có vaccine để phòng ngừa RSV nhưng có các loại vaccine giúp ngăn ngừa virus đường hô hấp ở trẻ em có thể gây ra các triệu chứng tương tự như RSV - điều này giúp bạn dễ dàng loại bỏ triệu chứng dễ nhầm lẫn hơn. Tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần được tiêm vaccine cúm hàng năm, phế cầu,... theo khuyến cáo.
Đọc thêm:
+ Trẻ nhiễm siêu vi hô hấp: Tất cả những điều cần biết để bảo vệ trẻ
+ Cách bảo vệ phổi cho trẻ khi chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao
Khi nghi ngờ trẻ bị viêm tiểu phế quản, bác sĩ sẽ nghe phổi của trẻ và kiểm tra nồng độ oxy bằng thiết bị đo nồng độ SpO2 chuyên dụng. Để xác định chính xác loại virus gây viêm tiểu phế quản ở trẻ là gì, các xét nghiệm dịch mũi họng có thể được chỉ định. Trong trường hợp nồng độ oxy trong máu của trẻ thấp, chụp X-quang ngực sẽ giúp kiểm tra mức độ tổn thương của viêm nhiễm còn xét nghiệm máu có thể giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng là do virus hay vi khuẩn.
Cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị viêm tiểu phế quản là gì? Ảnh: ST
Theo Medical News Today, các triệu chứng nhận biết trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể gồm:
- Triệu chứng viêm tiểu phế quản sớm: Các triệu chứng trẻ bị viêm tiểu phế quản ban đầu thường tương tự với các triệu chứng cảm lạnh thông thường, gồm: Sổ mũi, sốt và ho. Vào thời điểm này việc khám bác sĩ mà không kiểm tra bằng các xét nghiệm hỗ trợ chuyên sâu khác cũng sẽ khó khăn để phân biệt được nguyên nhân là do cảm lạnh thông thường hay do viêm tiểu phế quản.
- Dấu hiệu sau 48 - 72 giờ: Sau khoảng 2 - 3 ngày, các triệu chứng tại đường hô hấp sẽ trở nên tệ hơn đáng kể. Điều này là do virus gây nhiễm trùng viêm tiểu phế quản lan xuống đường hô hấp dưới dẫn tới viêm và tích tụ chất nhầy khiến việc thở của trẻ gặp khó khăn. Lúc này trẻ sẽ cố gắng bù đắp oxy bị thiếu hụt bằng cách thở mạnh hơn, biểu hiện là thở khò khè, thở rút lõm lồng ngực, lỗ mũi trẻ phập phồng khi thở. Tình trạng này cũng khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú và cáu kỉnh, quấy khóc hơn.
Trong khi một số trẻ chỉ gặp triệu chứng liên quan tới đường thở như thở nhanh thì đôi khi sự sụt giảm quá mức nồng độ oxy trong máu có thể khiến trẻ bị tím tái ở môi và da dẫn tới nguy cơ suy hô hấp, đe dọa tính mạng và cần phải nhập viện ngay lập tức.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản nghiêm trọng có thể dẫn tới suy hô hấp và đe dọa tới tính mạng (Ảnh: ST)
Các trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng do viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ sinh non trước tuần 32 thai kỳ, trẻ dưới 10 tuần tuổi hay trẻ mắc bệnh phổi mãn tính, bệnh tim bẩm sinh, bệnh thần kinh mãn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Viêm tiểu phế quản và viêm phế quản là hai tình trạng có âm thanh "lạo xạo" trong phế quản giống nhau và có các triệu chứng giống nhau. Cả hai tình trạng đều thường do virus gây ra, nhắm vào đường thở trong phổi.
Trong khi viêm phế quản ảnh hưởng đến các phế quản hoặc các đường thở lớn hơn thì viêm tiểu phế quản ảnh hưởng đến các đường thở nhỏ hơn (tiểu phế quản). Viêm phế quản thường ảnh hưởng đến trẻ lớn và người trưởng thành, trong khi viêm tiểu phế quản phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Tuy nhiên, trẻ bị ho do viêm phế quản có thể kèm theo chất nhầy có màu từ trong đến vàng, xám hoặc xanh lục. Các cơn ho này có thể khiến trẻ bị tức ngực. Nếu trẻ bị ho do viêm tiểu phế quản, thường sẽ là ho khan. Các triệu chứng viêm tiểu phế quản có xu hướng bắt đầu giống như cảm lạnh thông thường, ho, sốt nhẹ và sổ mũi nhưng các triệu chứng sẽ nặng hơn khi bệnh đạt đến đỉnh điểm và bắt đầu cải thiện.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản khi nào cần khám bác sĩ? Ảnh: ST
Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có các triệu chứng như cảm lạnh thông thường nhưng sau 2 - 3 ngày các triệu chứng này không có dấu hiệu thuyên giảm mà trở nên nghiêm trọng hơn, kèm theo những thay đổi về nhịp thở, bao gồm cả khó khăn khi thở và môi/da/đầu ngón tay chuyển sang màu tím tái, trẻ bỏ ăn bỏ bú, trẻ không uống được chất lỏng do nôn mửa liên tục thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp điều trị sớm - đây chính là chìa khóa để trẻ bị viêm tiểu phế quản phục hồi nhanh chóng.
Viêm tiểu phế quản thường kéo dài khoảng 1 - 2 tuần. Đôi khi có thể mất tới vài tuần để các triệu chứng hoàn toàn biến mất.
Nhìn chung, thời điểm giao mùa trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều bệnh lý hô hấp và truyền nhiễm khác nhau. Điều quan trọng là cha mẹ nhanh chóng phát hiện ra những bất thường hô hấp của trẻ sớm sẽ giúp điều trị bệnh đúng và phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ biến chứng bệnh.
Do trẻ bị viêm tiểu phế quản thường do các loại virus dễ lây và lây lan nhanh như RSV nên việc cha mẹ giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khử trùng đồ chơi và các bề mặt trong nhà thường xuyên, giữ nhà cửa thông thóng và hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi,... sẽ giúp phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản hay các bệnh lây truyền qua đường hô hấp hiệu quả.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Bronchiolitis (for Parents)
3. What to know about bronchiolitis