Như chúng ta đã biết, người bệnh tiểu đường luôn phải đối mặt với một tình trạng mạn tính. Trong đó, lượng đường trong máu của họ có thể cao bất thường do cơ thể không sản sinh đủ insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả.
Lượng đường trong máu tích tụ thường xuyên ở mức cao làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Những người bệnh tiểu đường nhạy cảm hơn với thời tiết nắng nóng. Họ có thể cảm thấy nhiệt độ nóng hơn người bình thường, từ đó dễ rơi vào các nguy cơ như kiệt sức hoặc sốc nhiệt. Vậy làm thế nào để giúp người bệnh tiểu đường vượt qua mùa nắng nóng? Hãy cùng tìm hiểu:
Bạn có biết những người mắc bệnh tiểu đường, cả type 1 và type 2, đều chịu nóng kém hơn những người khác? Có một số lý do giải thích nguyên nhân đằng sau hiện tượng này:
Thứ nhất, một số biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tổn thương mạch máu và dây thần kinh, có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi của người bệnh. Khi tuyến mồ hôi hoạt động không hiệu quả, cơ thể người bệnh tiểu đường sẽ làm mát kém hơn.
Điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, chẳng hạn như say nắng, sốc nhiệt hoặc kiệt sức, đều là những trường hợp y tế khẩn cấp.
Thứ hai, những người mắc bệnh tiểu đường bị mất nước nhanh hơn bình thường. Đó là bởi lượng đường trong máu cao và một số loại thuốc có tác dụng lợi tiểu sẽ khiến họ đi tiểu nhiều hơn, mất nước nhiều hơn. Do đó, nếu người bệnh tiểu đường không uống đủ nước trong mùa hè, tình trạng này sẽ rất nguy hiểm.
Như đã nói, trong mùa hè, người bệnh tiểu đường chịu nóng kém hơn nên sẽ có nguy cơ cao hơn bị kiệt sức, sốc nhiệt vì nắng nóng. Họ cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng bao gồm: đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, chóng mặt, chuột rút, nhức đầu, tim đập nhanh và buồn nôn. Khi có các triệu chứng này, người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp y tế.
Một điều đặc biệt cần lưu ý nữa đó là thời tiết nắng nóng có thể thay đổi cách cơ thể sử dụng insulin. Nhiệt độ tăng sẽ làm tăng hấp thụ insulin, dễ đưa người bệnh tiểu đường vào nguy cơ hạ đường huyết sau khi dùng thuốc.
Ngoài ra, trời nắng nóng cũng có thể làm hỏng thuốc và thiết bị đo đường huyết. Người bệnh tiểu đường nên bảo quản thuốc và thiết bị của mình, nhất là khi ra khỏi nhà hoặc đi du lịch.
Đối mặt với các nguy cơ lớn hơn trong những ngày nắng nóng, người bệnh tiểu đường trong mùa nắng nóng nên lưu ý những điều sau:
- Uống nhiều nước, ngay cả khi không cảm thấy khát nước để giữ cơ thể ngậm nước.
- Tránh uống rượu và các đồ uống chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực. Chúng vừa có đường vừa có thể khiến bạn mất nước hơn.
- Kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên hơn bởi phản ứng insulin của cơ thể thay đổi trong mùa nóng.
- Mặc quần áo rộng rãi, nhẹ và sáng màu.
- Nên bôi kem chống nắng và đội mũ khi ra ngoài. Cháy nắng có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
- Kiểm tra đường huyết trước, trong và sau khi tập thể dục. Nếu tập thể dục ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối, khi nhiệt độ thấp hơn.
- Đừng đi chân trần, ngay cả trên bãi biển hoặc hồ bơi.
- Sử dụng điều hòa không khí hoặc tới những địa điểm có điều hòa không khí để có môi trường mát mẻ hơn. Vào những ngày nhiệt độ quá cao, bật quạt sẽ không có tác dụng.
- Không để insulin, thuốc hoặc các thiết bị đo đường huyết dưới nắng, hoặc trong xe ô tô, bởi nhiệt độ quá nóng có thể phá hủy chúng.
- Nếu đi du lịch, hãy giữ insulin và các loại thuốc khác trong tủ mát. Tuy nhiên, đừng đặt insulin trực tiếp lên nước đá hoặc trên gói gel làm mát.
- Hãy chuẩn bị một túi thuốc và thiết bị phòng cho trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như một cơn bão khiến bạn phải trú ẩn xa nhà.