Nguy cơ mắc ung thư thứ 2 sau điều trị ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nguy cơ mắc ung thư thứ 2 sau điều trị ung thư máu
Ung thư thứ 2 do bệnh ung thư máu có thể xảy ra ở rất nhiều đối tượng. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể được giảm thiểu, kiểm soát nếu bệnh nhân được theo dõi đúng cách.

Ung thư thứ 2 là nỗi lo lắng của không ít bệnh nhân sau điều trị ung thư máu. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn được phát hiện ung thư thứ 2 dù chưa có tiền sử ung thư trước đó.

Vậy những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao nhất? Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ ung thư thứ 2 do ung thư máu? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.

1. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư thứ 2 do ung thư máu

Những đối tượng sau đây sẽ có khả năng cao mắc phải ung thư thứ 2 sau khi điều trị ung thư máu:

Người từng được điều trị ung thư máu bằng một số loại thuốc hóa trị

Các phương pháp điều trị ung thư máu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thứ 2. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính sau điều trị. Bệnh bạch cầu thứ phát thường xảy ra trong 10 năm đầu sau khi điều trị ung thư ban đầu. Nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu thứ phát cao hơn ở những người được điều trị bằng:

- Liều cao của các tác nhân kiềm hóa như cyclophosphamide hoặc nitrogen mustard.

- Epipodophyllotoxin như etoposide hoặc teniposide.

- Thuốc hóa trị liệu anthracycline như doxorubin.

Những người xạ trị ung thư máu ở độ tuổi trẻ

Liệu pháp xạ trị ung thư ở trẻ em có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u thứ phát khi bệnh nhân trưởng thành. Các vị trí hình thành khối u phổ biến nhất bao gồm da, vú, tuyến giáp và xương. Ngoài ra, hệ thống thần kinh trung ương (não, cột sống) cũng là vị trí thường xuất hiện khối u. 

Không giống bệnh bạch cầu thứ phát, khối u thứ phát thường xuất hiện sau thời gian điều trị khoản 10 năm. Nguy cơ phát triển khối u thứ phát còn cao hơn nếu xạ trị được truyền với liều lượng cao. Tuy nhiên, nhờ thiết bị và kỹ thuật mới tình trạng này đã được hạn chế phần nào. Bởi xạ trị chỉ tác động các khu vực tế bào ung thư  và che chắn các mô bình thường.

Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư máu

Những người thừa hưởng thay đổi gen (đột biến) có khả năng cao mắc ung thư thứ 2. Nhưng nhìn chung, những thay đổi di truyền này là tương đối hiếm gặp. Thậm chí, nó chiếm ít hơn 10% số lượng bệnh nhân mắc ung thư. Sự hiện diện của gen ung thư di truyền thường gặp ở mọi thế hệ trong gia đình. Đặc biệt, nguy cơ ung thư thứ 2 sẽ cao hơn ở những người trẻ tuổi. 

Do đó, nếu gia đình có tiền sử ung thư, bạn cần thường xuyên làm các kiểm tra sức khoẻ. Ngoài ra, trong các buổi kiểm tra bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn làm các xét nghiệm.

2. Theo dõi nguy cơ ung thư thứ 2 do ung thư máu

Bệnh nhân cần chủ động theo dõi nguy cơ ung thư thứ 2 do ung thư máu. Đặc biệt là việc chủ động trong chăm sóc sức khoẻ và khai lịch sử y tế với bác sĩ. Để làm được điều này, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp sau:

- Theo dõi hàng năm sau điều trị ung thư máu, đặc biệt là ung thư máu ở trẻ em.

- Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dựa trên độ tuổi, giới tính và lịch sử điều trị.

- Kiểm tra thường xuyên đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư thứ 2.

- Khai báo cho bác sĩ về lịch sử y tế, việc tiếp xúc với hóa trị, xạ trị và phẫu thuật

- Phát triển mối quan hệ với một bác sĩ chăm sóc chính. Bác sĩ chính phải là người biết lịch sử điều trị ung thư, tác dụng muộn và các xét nghiệm sàng lọc được đề nghị.

- Tự theo dõi và báo cáo các biểu hiện bất thường như:

+ Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

+ Mệt mỏi quá mức.

+ Đau xương.

+ Các vết loét không lành.

+ Khó thở.

+ Khó nuốt.

+ Thay đổi thói quen đại tiện.

+ Đau bụng dai dẳng.

+ Máu trong phân.

+ Máu trong nước tiểu

+ Đau khi tiểu tiện hoặc đại tiện

+ Ho và khàn giọng dai dẳng.

+ Đờm có máu.

+ Vùng da bị đổi màu hoặc vết loét trong miệng không lành.

+ Nhức đầu.

+ Hoa mắt.

+ Nôn khan vào sáng sớm.

Thiếu chăm sóc và theo dõi sau điều trị ung thư máu có thể làm tăng nguy cơ ung thư thứ 2. Do đó, đừng chủ quan với sức khoẻ mà bỏ lỡ các buổi tái khám sau điều trị nhé!


Tác giả: Thùy Dung