Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, có khả năng lây lan rất nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Đối tượng dễ lây nhiễm bệnh tay chân miệng nhất là trẻ em dưới 10 tuổi và người chưa bao giờ mắc bệnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ mắc bệnh dễ xảy ra biến chứng nặng hơn do cơ thể lúc này sức đề kháng còn non yếu.
Tác nhân gây bệnh tay chân miệng ở người là các loại virus đường ruột, bao gồm có Coxsackie, Echo virus và một số loại Enteronvius khác. Loại virus đặc biệt nguy hiểm trong nhóm này là EV71 với khả năng gây ra các biến chứng nặng ở hệ thần kinh và tim mạch, có thể dẫn đến tử vong.
Giọt bắn của bệnh nhân có thể làm lây nhiễm bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Bệnh tay chân miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch là do khả năng lây lan rất nhanh của các loại virus gây bệnh. Người nhiễm các loại virus này hoàn toàn có thể làm lây nhiễm bệnh tay chân miệng cho nhiều người khỏe mạnh chỉ thông qua các hoạt động giao tiếp thông thường.
Các giọt nước được bắn ra trong quá trình nói chuyện, ho, hắt hơi,... thông thường chỉ có thể văng đi một khoảng ngắn trong không gian. Tuy nhiên, các giọt bắn này hoàn toàn có thể văng vào mắt, mũi, miệng của những người đối diện không được bảo vệ bởi khẩu trang, kính mắt,... và thường không bay lơ lửng trong không khí.
Bệnh tay chân miệng có thể lây qua dịch tiết mũi họng, nước bọt và phân của bệnh nhân (Ảnh: Internet)
Các giọt bắn này có thể vô hại, nhưng cũng có thể là nguyên nhân lây nhiễm bệnh tay chân miệng. Trong các giọt bắn của người mắc bệnh thường chứa mầm bệnh, chúng có khả năng lây lan sang rất nhiều người xung quanh trong quá trình tiếp xúc (trực tiếp hoặc gián tiếp).
Không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng, các giọt bắn nhỏ còn là thủ phạm lan truyền nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là các bệnh hô hấp cấp tính. Khi ho, hắt hơi,... các giọt bắn của người bệnh phát tán vào không khí và đọng lại trên các bề mặt chung quanh. Các giọt bắn lớn có thể văng tới 1 mét và tồn tại lâu trên các bề mặt ổn định.
Nước bọt có thể làm lây lan nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, các bề mặt tiếp xúc với hai bàn tay, khăn giấy, khăn tay,... mà bệnh nhân đã sử dụng hoặc những vật liệu khác đã tiếp xúc với các chất dịch tiết đều có khả năng chứa mầm bệnh. Tức là, ở các vị trí như thành giường, tay ghế, tay nắm cửa, thùng rác,... xung quanh bệnh nhân đều có thể chứa virus gây bênh.
Bên cạnh đó, phân và các loại dịch khác của cơ thể ngoài nước bọt cũng có thể chứa mầm bệnh, là nguyên nhân lây nhiễm bệnh tay chân miệng.
Tìm hiểu cơ chế lây nhiễm bệnh tay chân miệng sẽ giúp việc phòng tránh bệnh được thực hiện có hiệu quả hơn. Trước tiên, cần chủ động sử dụng các biện pháp bảo vệ cụ thể để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng qua các giọt bắn như đeo khẩu trang y tế, kính mắt, găng tay,... khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Người có các biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng cần được cách ly tới khi bệnh khỏi hoàn toàn.
Đeo khẩu trang y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng gián tiếp, không nên sử dụng chung các loại đồ dùng, dụng cụ với bệnh nhân, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng,... bằng các loại dung dịch diệt khuẩn. Đặc biệt, hạn chế để trẻ đưa tay hoặc đồ chơi vào miệng vì có thể vô tình đưa các loại vi khuẩn có hại vào cơ thể.