Nguy cơ bệnh ghẻ mùa mưa bão, ngập úng và cách đối phó

Nguy cơ bệnh ghẻ mùa mưa bão, ngập úng và cách đối phó
Thời tiết nắng mưa thất thường kết hợp với ngập úng thời gian dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi phát triển, trong đó có bệnh ghẻ.

Việc dầm nước đặc biệt là ở những khu vực ngập úng, da có thể tiếp xúc với những chất bẩn, nấm mốc có từ nguồn nước thải sinh hoạt hay nước ống cống rãnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về da như viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng hoặc viêm nang lông, mụn nước, nhiễm trùng da, nhiễm nấm trên da hoặc bệnh ghẻ.

Trong đó bệnh ghẻ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng và kịp thời, có thể kể đến như nhiễm trùng huyết, bệnh tim và các vấn đề về thận.

Nguy cơ bệnh ghẻ mùa mưa bão, ngập úng và cách đối phó - Ảnh 1.

Hình ảnh con ghẻ (Ảnh: Healthline)

Đọc thêm:

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa?

Nước ăn chân mùa mưa và cách xử lý tại nhà hiệu quả nhất

1. Triệu chứng bệnh ghẻ là gì?

Ghẻ là gì? Ghẻ là một loại nhiễm trùng da do một loại ve có tên là Sarcoptes sacbiei gây ra. Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp. Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi ngày đẻ 1 - 5 trứng, trứng sau 72 - 96 giờ thì nở thành ấu trùng, sau 5 - 6 lần lột xác (trong vòng 20 - 25 ngày) trở thành con ghẻ trưởng thành, sau đó bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới.

Hình ảnh phát ban của bệnh ghẻ (Ảnh: Healthline)

Nên có thể nói, ghẻ sinh sôi rất nhanh, dễ lây lan cho người xung quanh nếu tiếp xúc và có nguy cơ gây ra các ổ ghẻ trong tập thể.

Sau khi tiếp xúc với con ghẻ, các triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 - 8 tuần sau đó. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh ghẻ thường phát triển nhanh hơn ở những người từng bị ghẻ trước đó, chỉ khoảng 1 - 4 ngày sau khi phơi nhiễm xảy ra.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh ghẻ bao gồm phát ban và những cơn ngứa khó chịu và dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm, cơn ngứa thường nghiêm trọng hơn. Các nốt ghẻ thường có kích thước từ 5mm - 6 mm, rải rác trên cơ thể. Đường hầm do ghẻ cái đào thường dài từ 2 - 3 cm, gờ hầm cao hơn mặt da và có thể dễ dàng thấy nốt mụn ở đầu đường hầm - đây là nơi ghẻ cái cư trú.

Nguy cơ bệnh ghẻ mùa mưa bão, ngập úng và cách đối phó - Ảnh 4.

Minh họa đường hầm do ghẻ cái đào (Ảnh: Healthline)

Ghẻ thường làm tổ ở các vị trí như cổ tay, khuỷu tay, nách, núm vú, dương vật, thắt lưng, mông, kẽ ngón tay, kẽ ngón chân,...

2. Bệnh ghẻ có chữa được không?

Chữa ghẻ thường bao gồm việc loại bỏ tình trạng nhiễm trùng bằng thuốc mỡ, kem và thuốc bôi theo đơn trực tiếp lên da hoặc thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Theo Healthline, thuốc chữa ghẻ có thể gồm: Kem permethrin 5%, sữa dưỡng thể benzyl benzoat 25%, thuốc mỡ sunfat 10%, kem crotamiton 10%, dung dịch Lindane 1%.

Một vài thuốc bổ sung có thể giúp giảm ngứa do ghẻ như: Thuốc kháng histamine chẳng hạn như Benadryl hoặc kem pramoxine hay thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do gãi mạnh dẫn tới trầy xước da; kem steroid để giảm sưng và ngứa.

Nguy cơ bệnh ghẻ mùa mưa bão, ngập úng và cách đối phó - Ảnh 5.

Minh họa trường hợp bị ghẻ nặng (Ảnh: Healthline)

Với bệnh ghẻ nặng, tổn thương ghẻ lan rộng, thuốc kê đơn Stromectol có thể giúp ích. Tuy nhiên cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý uống thuốc hay tăng liều có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và ảnh hưởng tới thời gian điều trị ghẻ.

Với câu hỏi bệnh ghẻ có tự khỏi được không? Thì câu trả lời là không. Bệnh ghẻ không tự khỏi và cần phải được điều trị bằng thuốc kê đơn.

3. Phòng ngừa bệnh ghẻ mùa mưa bão, ngập úng

Để phòng ngừa bệnh ghẻ trong mùa mưa, có một số lưu ý mà mọi người cần ghi nhớ như sau:

- Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Sau khi tiếp xúc với nước mưa và trở về nhà, cần thay bỏ quần áo ướt, tắm với nước ấm và xà phòng để loại bỏ bụi và cặn bẩn bên ngoài. Có thể lựa chọn các loại xà phòng có tính kháng khuẩn để tăng cường khả năng làm sạch da. Tuy nhiên cần tránh những loại xà phòng tắm hay rửa tay có chứa chất kích ứng mạnh.

Tắm xong cần lau khô người bằng khăn bông sạch, cần chú ý các khu vực da kẽ như nách, kẽ chân, bẹn, kẽ ngón tay,...

Đồng thời cần chú ý rửa tay thường xuyên, nhất là khi đi mưa về. Nước mưa có thể trở thành nguồn gây bệnh về da cho bạn nếu không được vệ sinh sạch sẽ.

Hạn chế dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, quần áo, bàn chải,... với người khác. Nhất là khi trong gia đình có người bị mẩn ngứa, nổi mụn hay phát ban da không rõ nguyên nhân.

- Thay chăn ga, gối thường xuyên: Vào mùa mưa, việc thay chăn ga, gối thường xuyên, giặt sạch sẽ và sấy khô rất quan trọng để ngăn ngừa sự sinh sôi và phát triển của các mầm bệnh như vi khuẩn, nấm mốc do môi trường ẩm ướt.

- Cố gắng hạn chế tiếp xúc ít nhất với nguồn nước bẩn, ô nhiễm. Nếu có vết thương hở, cần băng vết thương để bảo vệ nó khỏi nước mưa và bụi bẩn khi di chuyển bên ngoài hay các khu vực ngập lụt.

Ngoài ra, khi phát hiện ra các dấu hiệu ghẻ như các nốt sẩn ngứa cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được điều trị, tránh gãi vì gãi mạnh tay có thể dẫn tới trầy xước, các vết thương hở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Everything You Need to Know About Scabies

2. Monsoon and scabies: Prevention tips to know


Tác giả: Allen