Các thống kê cho thấy, động kinh khởi phát muộn ngày càng phổ biến hơn trong hai thập niên vừa qua. Điều này làm cho bệnh động kinh được xếp thứ 3 trong các vấn đề thần kinh thường gặp ở người cao tuổi. Mức độ phổ biến của nó chỉ đứng sau so với đột quỵ và sa sút trí tuệ.
Cùng với sự già hóa dân số, dự báo rằng tỷ lệ mắc bệnh động kinh sẽ còn tiếp tục tăng lên. Vì thế khiến bệnh động kinh rất có thể sẽ trở thành một vấn đề sức khỏe cộng động đáng được quan tâm trong tương lai.
Mặc dù xuất hiện khá phổ biến, nhưng trên thực tế lại có đến 32-48% trường hợp bệnh động kinh không thể xác định được nguyên nhân.
Một vài nghiên cứu cho rằng yếu tố mạch máu có thể làm tăng bệnh động kinh khởi phát muộn. Nhưng những nghiên cứu khác lại khẳng định, yếu tố mạch máu đã có thể liên quan đến bệnh động kinh ngay từ độ tuổi 30 trở đi.
Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu vai trò của yếu tố mạch máu đối với bệnh động kinh khởi phát muộn. Từ đó giúp các nhà chính sách đưa ra các biện pháp y tế, phòng tránh và quản lý tình trạng này.
Gần đây, một nghiên cứu mới đã được thực hiện để tìm hiểu mối liên hệ giữa yếu tố mạch máu và sự khởi phát bệnh động kinh. Các nhà khoa học đến từ Đại học Y khoa Boston là những tác giả chính của nghiên cứu lần này. Kết quả cụ thể của nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí về Bệnh Động kinh.
Theo kết đó, nguy cơ mắc bệnh động kinh khởi phát muộn có thể tăng lên khoảng 2 lần khi bị cao huyết áp. Khi không được sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp, nguy cơ này thậm chí còn có thể tiếp tục tăng lên.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ lần đánh giá sức khỏe lần thứ 5 của nghiên cứu Tim Framingham. Lần đánh giá này được thực hiện từ năm 1991-1995 với 2986 người đã tham gia. Những người này đều có độ tuổi ít nhất là 45 tuổi và đều đã có dữ liệu về các yếu tố nguy cơ mạch máu từ trước đó.
Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của những người tham gia là các yếu tố nguy cơ mạch máu được các nhà khoa học quan tâm chính. Họ định nghĩa rằng, cao huyết áp là tình trạng huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Đồng thời, việc sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp nếu có cũng được mô tả một cách cụ thể.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đánh giá một số các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác. Chúng bao gồm bệnh tiểu đường, cholesterol máu, hút thuốc lá, đột quỵ, bệnh tim mạch và chỉ số BMI.
Những người tham gia sẽ được tiến hành sàng lọc về bệnh động kinh hoặc tình trạng co giật. Các phương tiện được sử dụng để sàng lọc người tham gia bao gồm hệ thống biểu đồ đánh giá, những báo cáo về các cơn động kinh, Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật lần thứ 9 (ICD-9),...
Với các trường hợp nghi ngờ có động kinh, các nhà khoa học sẽ phối hợp dữ liệu đã có cùng với các kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm hình ảnh học, điện não đồ, điện tâm đồ,... để có thể đưa ra chẩn đoán.
Theo kết quả thu được, đã có 55 trường hợp liên quan đến bệnh động kinh được ghi nhận. Trong đó 26 trường hợp được chẩn đoán xác định, 15 trường hợp có thể xảy ra bệnh và 14 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh động kinh. Tại thời điểm được chẩn đoán có khả năng mắc bệnh, độ tuổi trung bình của những người này là 73,8 tuổi.
Sau khi phân tích, các nhà khoa học nhận thấy rằng nguy cơ bệnh động kinh tăng gấp khoảng 2 lần khi bị cao huyết áp. Mỗi khi huyết áp tâm thu tăng lên 10mHg, nguy cơ bị bệnh động kinh lại sẽ tăng lên 17%.
Thậm chí, nếu không được kiểm soát bằng các loại thuốc hạ huyết áp, nguy cơ mắc bệnh động kinh còn có thể tăng gấp 2,44 lần so với thông thường.
Đọc thêm:
- Bệnh lý do thừa vitamin B: Có thể gây ung thư, động kinh
- Người bị cao huyết áp có uống rượu được không? Lượng rượu an toàn cho bệnh nhân cao huyết áp
Các nhà khoa học đã tiến hành giải thích mối quan hệ giữa tăng huyết áp và bênh động kinh bằng nhiều lý thuyết khác nhau. Trong đó phải kể đến là cơ chế điều hòa huyết áp của hệ thông renin-angiotensin-aldosterol (RAA).
Họ nhận thấy rằng, những con chuột thường xuyên bị co giật có hàm lượng RAA trong cơ thể gắp từ 2,6-8,2 lần so với những con chuột thông thường. Khi hàm lượng RAA trong cơ thể được kiểm soát nhờ vào các loại thuốc hạ huyết áp, các cơn co giật sẽ xuất hiện chậm hơn và có tần suất ít hơn.
Tuy nhiên, giải thích của nghiên cứu về sự tác động của hệ RAA lên mối quan hệ giữa cao huyết áp và bệnh động kinh vẫn còn rất hạn chế. Vì thế, sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để làm rõ hơn cách mà hệ thống RAA đã tác động lên mối quan hệ này như thế nào.
Một cơ chế tiềm ẩn khác liên quan đến bệnh động kinh và cao huyết áp cũng được các nhà khoa học đề cập đến là các bệnh lý mạch máu nhỏ. Những bệnh lý này khiến thành của các tiểu động mạch và mao mạch bị tổn thương. Điều này khiến tưới máu giàu oxi đến các cơ quan trở nên kém hiệu quả.
Đã có các bằng chứng chứng minh rằng, thời gian bị cao huyết áp là một yếu tố tiên lượng bệnh mạch máu nhỏ. Trong khi đó, các bệnh lý mạch máu nhỏ lại có liên hệ với động kinh thùy thái dương. Nó khiến các vi mạch ở vỏ não và nhu mô não tổn thương, phá vỡ các đường dẫn truyền giữa những vùng não lân cận,... Hậu quả là vùng não này bị kích thích một cách quá mức và hình thành các cơn co giật.
Chính vì vậy có thể khẳng định, cao huyết áp có thể là một yếu tố độc lập dự báo sự xuất hiện của bệnh động kinh khởi phát muộn. Những người bị cao huyết áp sẽ có nguy cơ bị co giật cao hơn gấp 2 lần sau 45 năm.
Mặc dù đã đạt được các kết quả nhất định, nhưng chính các tác giả cũng thừa nhận rằng nghiên cứu vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục.
Đối tượng tham gia vào nghiên cứu này đều là những người da trắng, không bao gồm các sắc tộc và chủng tộc khác. Điều này đã làm cho nghiên cứu thiếu tính khái quát hóa. Hơn thế nữa, với bản chất là một nghiên cứu quan sát, nghiên cứu này không thể giải thích được các mối quan hệ nhân quả.
Theo Tiến sĩ Jason Hauptman đến từ Bệnh viện Nhi đồng Seattle, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc tăng huyết áp có phải là yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ hay không. Và nghiên cứu này đã đưa ra các kết quả rất thú vị.
Mặc dù cao huyết áp không phụ thuộc vào đột quỵ, nhưng nó lại gây ra các bệnh mạch máu nhỏ và dẫn đến các vi tổn thương cho não. Những tổn thương này xảy ra đưa đến sự xuất hiện của bệnh động kinh. Đi kèm với nó có thể là một tình trạng đột quỵ có triệu chứng hoặc được phát hiện.
Ông cho rằng, kết quả của nghiên của có ý nghĩa quan trọng. Cao huyết áp là một căn bệnh phổ biến, nhưng nó cũng có thể được điều chỉnh thông qua các biện pháp đánh giá và điều trị. Vì thế, cần có các nghiên cứu được thực hiện trên quần thể bệnh nhân lớn hơn. Điều này cho phép đánh giá chính xác liệu cao huyết áp có phải là một yếu tố nguy cơ hay không. Từ đó giúp đưa ra các biện pháp can thiệp tiềm năng.
Tiến sĩ Sanjay Prasad đến từ Mayo Clinic Healthcare cho biết, ông không ngạc nhiên về những gì mà nghiên cứu đã thu được. Kết quả của nghiên cứu này thống nhất với những gì đã được biết trước đây. Tuy nhiên đây là một nghiên cứu quan sát, vì thế không thể xác định được bất kỳ mối quan hệ cụ thể nào.
Ông nói thêm, nghiên cứu này đã được thực hiện dựa trên nền tảng là các kiến thức đã biết trước đó. Đồng thời nó cũng nhấn mạnh vai trò của lối sống, tập luyện thể dục và ăn muối hạn chế trong phòng chống bệnh tật.
Cuối cùng, Tiến sĩ Sanjay Prasad kết luận rằng, nghiên cứu này làm nổi bật tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp. Tất cả mọi người nên được khuyến khích theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là những người trên 50 tuổi. Đồng thời, kiểm soát huyết áp cho người bị động kinh sau đột quỵ cũng là vấn đề cần được quan tâm, đánh giá thêm.
Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/hypertension-linked-to-2-5-times-higher-risk-of-epilepsy